Xã hội

Quảnh Bình: Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả

Thanh Tùng 20/07/2023 - 11:30

(TN&MT) - Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, với địa hình đa dạng gồm cả núi cao, vùng đồi trung du, đồng bằng và vùng cát ven biển, Quảng Bình có tiềm năng trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã giúp cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả được ghi nhận và nhân rộng.

Mô hình tốt

Gia đình anh Dương Quốc Toàn và chị Nguyễn Thị Hương Giang ở thôn Cà, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những điển hình trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Do hoàn cảnh khó khăn nên sau khi lập gia đình, anh chị đã mạnh dạn lên vùng gò đồi của xã để khai hoang lập nghiệp. Sau nhiều lần trồng thử nghiệm cây cao su nhưng không thành công, gia đình quyết định đầu tư mô hình trồng cây ăn quả, đồng thời học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Đến nay, trang trại của gia đình anh Toản, chị Giang đã thu hoạch lứa thứ hai với trung bình mỗi năm 20 tấn cam, quýt, bưởi và cho thu nhập ổn định.

Một trong những hướng giảm nghèo bền vững khác được huyện Bố Trạch triển khai hiệu quả thời gian qua đó là đưa người lao động đi nước ngoài theo hợp đồng. Điển hình như gia đình ông Trần Bộ Tổng, ở thôn 3 Thanh Sen từng là hộ nghèo của xã Phúc Trạch. Thế nhưng vài năm trở lại đây, hai con trai của ông đã mạnh dạn đăng ký đi lao động tại Đài Loan. Nhờ cần cù, chăm chỉ lao động, các con ông đã tích góp gửi tiền về quê để bố mẹ xây nhà mới. Với việc thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Bố Trạch giảm nhanh. Riêng năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,06%, hộ cận nghèo giảm 0,37%. Nhờ đó diện mạo của các làng quê, nhất là những vùng khó khăn trên địa bàn huyện có nhiều đổi thay, đời sống của người dân được nâng cao.

anh-1(1).jpg
Nhờ áp dụng mô hình giảm nghèo phù hợp, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bố Trạch đã thoát nghèo bền vững

Năm 2019, gia đình ông Hồ Phình, người Mã Liềng ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa được hỗ trợ 2 con bò cái từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Từ tiền bán keo, ông Hồ Phình mua thêm 3 con bò cái sinh sản. Đến nay, ông đã có đàn bò 12 con, giá trị ước tính hàng trăm triệu đồng. Cùng với nuôi bò, gia đình ông còn chăn nuôi gà, lợn và trồng rừng kinh tế, thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng. Sự vươn lên làm ăn của gia đình ông Hồ Phình được bà con người Mã Liềng noi theo và người ta càng thêm quí mến ông bởi ông đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo để nhường nguồn hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn.

Ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh trong những năm qua, riêng năm 2022 giảm trên 5%. Theo kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều tại Nghị định của Chính phủ, áp dụng thực hiện cho giai đoạn 2022-2025, đầu năm 2022 toàn huyện Tuyên Hóa có gần 2.200 hộ nghèo (chiếm 8,78%) và gần 1.600 hộ cận nghèo (chiếm 6,37%). Đến đầu năm 2023, số hộ nghèo chỉ còn gần 1.700 hộ, số hộ cận nghèo giảm còn 1.333 hộ.

Cùng với huyện Bố Trạch và Tuyên Hóa, trong năm qua, huyện Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động, giải pháp để giúp người nghèo và cận nghèo ổn định cuộc sống. Theo báo cáo của UBND huyện Quảng Ninh, năm 2022 nguồn ngân sách hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là 855 triệu đồng. Từ nguồn ngân sách này, nhiều mô hình, dự án hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện được triển khai hiệu quả.

Điển hình là mô hình nuôi ngan đen thương phẩm trong nông hộ tại xã Gia Ninh với 20 hộ tham gia, trong đó có 16 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, 1 hộ khó khăn. Mô hình được hỗ trợ nguồn kinh phí 426 triệu đồng để các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, huyện còn xây dựng dự án mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà ri lai thương phẩm tại xã Vạn Ninh với 25 hộ dân tham gia, trong đó có 17 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo, 2 hộ có công với cách mạng…

Hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm và hỗ trợ sinh kế đã tác động tích cực đến đời sống của người dân địa phương, số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể qua từng năm. Kết quả rà soát số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2022 cho thấy, toàn huyện Quảng Ninh còn 1.488 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,35% (giảm 1,6% so với đầu năm); hộ cận nghèo còn 1.503 hộ, chiếm tỷ lệ 5,40% (giảm 1,7% so với đầu năm).

Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo

Xóa đói giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình. Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt chỉ đạo và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể tham gia thực hiện công tác giảm nghèo; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng. Các ngành, địa phương đã tổ chức truyền thông trực tiếp tại các điểm là thôn, bản, xã nghèo, đặc biệt khó khăn và xã không thuộc xã nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp với trình độ tiếp cận của từng vùng, đặc biệt nêu cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của bản thân người nghèo, hộ nghèo, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, chăm chỉ làm việc vươn lên thoát nghèo bền vững. Biên soạn, in ấn và phát hành tờ gấp, tờ rơi pháp luật về trợ giúp pháp lý... góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý, hệ thống tổ chức thực hiện, người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng để họ dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý.

anh-2(1).jpg
Diện mạo nông thôn tại huyện Tuyên Hóa ngày càng khang trang

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tích cực thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống như mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản tại xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch), xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy); mô hình trồng bưởi Phúc Trạch xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa). Trong năm 2022, các hội, đoàn thể trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo. Đơn cử như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phối hợp với Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật (AEPD) đã hỗ trợ sinh kế 43 nạn nhân bom mìn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh. Trong đó 40 nạn nhân được nhận bò sinh sản trị giá 12 triệu đồng/con và 3 nạn nhân được hỗ trợ nhà ở trị giá 50 triệu đồng…

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Bình tiếp tục phấn đấu Quảng Bình phấn giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.045 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.810 hộ; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,5% tương ứng với giảm 1.285 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.963 hộ. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự vận động quần chúng của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị các cấp về công tác giảm nghèo.

Đầu năm 2022, Quảng Bình có 16.657 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,52% và hộ cận nghèo là 13.731, chiếm tỷ lệ 5,38% tổng số hộ toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,52% xuống còn 5,0% (tương ứng giảm 3.802 hộ xuống còn 12.820 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,62% xuống còn 4,76% (tương ứng giảm 1.483 hộ xuống còn 12.248 hộ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảnh Bình: Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO