Hai phía lời ru
(TN&MT) - Đất nước muôn nỗi gian lao, có khi một đời người phải trải qua vài cuộc chiến tranh liền nhau, mấy thế hệ cùng nối tiếp ra trận.
Sự chia ly xa cách không tính bằng năm, bằng tháng mà trải dài theo những thập kỷ tàn khốc dữ dội. Trong tôi cứ ám ảnh mãi hai câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường, níu chiếu đợi anh”... Và, cứ nao nao khôn tả khi ai đó cất lên câu hát “Lời ru biết mấy đợi chờ/ Bố đi bộ đội từng giờ mẹ mong”.
Lời ru, ôi những lời ru trải dài theo thời gian đằng đẵng, theo không gian mênh mông. Lời ru đi qua 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, áo trấn thủ mũ nan sạm màu thuốc súng để rồi chói sáng ở một Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bà ru cháu, mẹ ru con sau lũy tre làng hay ở một góc phố rêu phong nào đó. Chiến hào thắc thỏm những giấc mơ à ơ của người lính như bấy nhiêu yêu thương chẳng bao giờ vơi cạn, nhạt phai.
Trong hành trang chiến sĩ có những luyến láy, trầm bổng huê tình dân ca xứ sở gần gũi như cánh cò cánh vạc, bông súng bông sen, võng đay nôi tre kẽo kẹt đu đưa. Nối vào những lời ru xưa cũ như cái tình da diết của non sông này là những à ơ kháng chiến xôn xao: “Cháu ngoan cháu ngủ đi nhe/ Mẹ mày ra chợ bán chè bán rau/ Bố mày đánh giặc còn lâu/ Mẹ mày cày cấy ruộng sâu tối ngày”... Câu ru in dấu thân phận đất nước như một dự cảm về năm tháng chiến tranh dài lâu. Cuộc chiến tưởng kết thúc, nào ngờ 21 năm sau kháng chiến chống Pháp, bom rơi đạn nổ lại nhiều hơn, ngày và đêm, hy sinh nối dài hy sinh, mất mát nối dài mất mát. Nuốt nước mắt vào trong, ta càng thấm thía hơn cái lẽ: Chiến tranh không phải trò đùa!
Nhưng rồi, cuộc chiến tranh nào cũng phải kết thúc, sau hơn 20 năm đánh trận trường kỳ, đất nước có mùa xuân đại thắng 1975, ngày 30/4 mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông, và đó cũng là cơ hội tốt nhất để hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Nhưng có một điều cần nhắc lại, cần soi nó dưới ánh sáng hòa bình, đó là: Tại sao dân tộc mình lại bình tĩnh, vững vàng vượt qua được những éo le tàn khốc của thời cuộc. Nếu không tràn đầy yêu thương, nếu không chấp chới hy vọng, nếu không đầy đặn niềm tin, nếu không biết nuôi dưỡng những lời ru nhân hòa thì chắc dân tộc này sẽ chỉ biết chọn hận thù làm vũ khí vĩnh cửu. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, bên cạnh những hành khúc hào hùng, ta vẫn có những giai điệu thiết tha thấm vào lòng người, không phải thời ấy mà đến bây giờ khi nghe lại vẫn rưng rưng. Xin được cảm ơn “Tình ca” của Hoàng Việt; “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Hoàng Hiệp; “Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý... Những người lính ra trận, cả hậu phương mênh mông… đều được nghe và hát những ca khúc ấy như được tắm trong lời ru đất nước. Nguồn sông núi ngọt ngào, dòng chảy quê hương làm dịu lại những tháng năm nóng bỏng; cuộc sống đẹp đẽ trong sáng vô cùng, mỗi người biết vì mọi người, biết dâng hiến cho Tổ quốc thiêng liêng.
Cội nguồn sức mạnh tinh thần của người Việt chính là biết chọn nhân nghĩa và yêu thương làm gốc. Nếu không có nhân nghĩa yêu thương, với những gì kẻ thù đã gieo rắc, chắc dân tộc ta chỉ chìm đắm trong xót xa và chất chứa hận thù. Lịch sử và văn hóa của Việt Nam không chỉ có thanh gươm và khẩu súng đánh giặc mà còn có cây đàn và lời ru trầm bổng.
Bởi thế, dù trong hoàn cảnh “Lửa đã cháy ở phía trước” “bao năm cha hành quân xa” và “Nay thêm bao con lại đi xa”… thì lời ru của mẹ vẫn theo những đứa con đi giữ nước hằng bao thế kỷ như nhạc sĩ Văn Thành Nho đã diễn đạt rất thành công trong ca khúc “Đất nước lời ru” nổi tiếng: “Ru con, mẹ ru con tiếng ru cả cuộc đời/ Ru con, lời ru cất lên từ ngàn đời/ Mẹ Âu Cơ từ xa xưa đi khai thiên lập địa/ Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển cả”...
Chúng ta có đất nước, có dân tộc, có thăm thẳm cội nguồn. Tâm hồn ông cha, linh khí non sông được cất giữ một phần trong những lời ru. Tưởng như mỏng mảnh, mong manh mà vô cùng bền vững, dẻo dai. Tưởng như nôm na chân chất mà sâu sắc lắng đọng làm sao. Sinh ra và lớn lên, mỗi người con Việt Nam được uống dòng sữa ca dao và thật kỳ diệu khi ta cảm nhận được Tổ quốc từ đó. “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể/ Đất nước có trong miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”... (Thơ Nguyễn Khoa Điềm). Người lính lớn lên từ lời ru. Và trong các cuộc trường chinh, người lính lại làm nên lời ru đất nước. Những khúc ru khi nghe muốn trào nước mắt. Thương đất nước bao nhiêu ta thương mẹ bấy nhiêu. Đất nước hay là mẹ, mẹ hay là đất nước, hai khái niệm ấy luôn hòa trộn vào một, trở thành yêu dấu và thiêng liêng trong ta.
Đi dọc lời ru xứ sở, ta bỗng nhận ra những trù phú màu mỡ của văn hóa Việt, những minh triết gần gũi với cuộc đời. Và trong sự biết ơn đền đáp chân thành, chúng ta lại trở về quê hương bằng những khúc ru da diết, đằm thắm nhất. Ru mẹ, tôi đã hình dung ra khúc hát của những người lính trận khi trở về nơi mình đã ra đi. Để têm cho mẹ miếng trầu cay, để nhen cho mẹ bếp lửa ấm hồng, để cấy trồng cho mẹ những mùa chiêm bát ngát, để đặt vào tay mẹ những oa oa hòa bình...
Đấy chính là khát vọng hòa bình của dân tộc này và rộng lớn hơn nữa là của nhân loại. Một nhân loại luôn khao khát sống hòa đồng, không có xung đột, chiến tranh. Không có sự xâm lược của quốc gia này với quốc gia khác. Không có sự đô hộ của dân tộc này với dân tộc khác. Tôi nghĩ, không chỉ dân tộc Việt Nam cần lời ru mà nhân loại cũng cần lắm những khúc ru hòa bình. Những khúc ru nhân ái nâng dìu tâm hồn con người hướng về cái đẹp, cái lương thiện. Với những ai đã trải qua chiến tranh khốc liệt như người dân Việt Nam, sẽ rất thấm thía giá trị cao cả của hòa bình. Khúc ru nhân ái chính là biểu tượng của hòa bình.
Tôi chỉ mong sao cho đất nước tôi không bao giờ có chiến tranh nữa để những câu ru chỉ còn cánh cò trắng bay lả bay la trên đồng ruộng mênh mang, chỉ còn hương thơm của chẽn đòng đòng trong nắng mai, chỉ còn ngọn gió vầng trăng theo người qua cầu cởi áo cho nhau... Tôi sẽ về bên dòng sông, ru mẹ bằng những ngôn điệu yêu thương bình yên nhất. Như tôi đã viết trong “Chín cơn mưa và Mẹ”, một trường ca dành riêng cho mẹ của riêng tôi và Mẹ Tổ quốc bao la: “Con ru mẹ khúc thầm thì/ thời măng tơ lính binh nhì đến nay/ rừng già mắc võng vào cây/ con ru, ru với tháng ngày mẹ ru/ Bao nhiêu người mẹ nhân từ/ tiễn con ra trận bây chừ đợi con/ đạn bom dữ, mất hay còn/ Trường Sơn thì rộng, Cửu Long thì dài/ Vui một nửa, buồn cho ai/ mấy hồn thiêng được đầu thai hòa bình/ cúi đầu sông núi điêu linh/ không nguôi cuộc chiến hy sinh bao người”...
Và như vậy, đoàn tụ đã về từ hai phía lời ru. Tôi lắng nghe mẹ, tôi lắng nghe đồng đội, lắng nghe quá khứ, lắng nghe hiện tại trong những thảnh thơi hay nhọc nhằn của cuộc sống. Đời người hữu hạn, chỉ có yêu thương mới vô cùng. Những câu ru khát vọng đã, đang và sẽ được chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ khác như dòng sông đỏ nặng phù sa và chan hòa ánh sáng mãi mãi tìm thấy chân trời để đến. Ở đó, Tổ quốc và Mẹ cùng vinh quang, cùng tỏa ngời trong muôn vàn giai điệu trữ tình bất hủ. Ở đó, mỗi người con của đất nước sẽ thấm thía lời ru ngàn đời không bao giờ tắt.