Tài nguyên

Ninh Tây - Khánh Hòa: Hiệu quả từ việc giao khoán bảo vệ rừng

Đỗ Vương 26/04/2024 - 16:19

Để phát triển rừng bền vững, tỉnh Khánh Hòa tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình giao khoán bảo vệ rừng gắn với xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho cộng đồng địa phương, tạo điều kiện giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ (quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững) nhằm hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án thí điểm giao khoán bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp đối với rừng căm xe Ninh Tây. Theo Đề án, người dân được giao khoán bảo vệ rừng và bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Khu rừng căm xe ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được xem là khu “rừng quý”. Ở đây có quần thể căm xe hàng trăm năm tuổi, nhiều cây lớn rất có giá trị về mặt kinh tế cũng như sự đa dạng về sinh học. Là địa phương duy nhất ở thị xã Ninh Hòa có đủ điều kiện để thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, do UBND xã quản lý cho người dân.

z4587324343800_3c7f3679b76751592bf132113f5d7127.jpg
Lực lượng bảo vệ rừng kết hợp với người dân nhận khoán thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng

Theo Đề án, giao khoán bảo vệ rừng hơn 172 ha; trồng rừng và sản xuất nông nghiệp 129,5 ha (diện tích trồng rừng 80% và diện tích sản xuất nông nghiệp 20%) với tổng diện tích hơn 301 ha. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa phối hợp với UBND xã Ninh Tây rà soát, ký hợp đồng giao khoán bảo vệ hơn 172 ha rừng căm xe cho 10 hộ dân có năng lực tham gia bảo vệ rừng. Thực hiện trong giai đoạn từ 2021 - 2025.

Trong thời gian các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng, ngoài được hỗ trợ tiền bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm còn được sản xuất nông lâm kết hợp. Các hộ dân trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng không làm ảnh hưởng đến diện tích, chất lượng, khả năng phòng hộ của diện tích rừng được giao khoán bảo vệ. Việc Đề án cho phép phát triển nông nghiệp dưới tán rừng giúp các hộ dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần bảo vệ tốt hơn diện tích rừng căm xe hiện có.

Ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết: Diện tích rừng ở đây được quản lý, bảo vệ khá tốt là nhờ chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho người dân. Đáng mừng nhất, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy nay đã giảm đáng kể. Nhờ đó, hằng năm, ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ cho công tác giao khoán bảo vệ rừng, người dân có thêm thu nhập từ việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi nên số hộ trong diện đói nghèo tại địa phương đã giảm.

Tuy nhiên, việc giao khoán bảo vệ rừng cũng như xây dựng các mô hình sinh kế hiện cũng gặp không ít khó khăn. Qua rà soát, diện tích rừng tự nhiên chưa được Nhà nước giao, cho thuê thuộc quản lý của UBND xã Ninh Tây khoảng 3.000ha tại khu vực Bến Lễ (thôn Sông Búng) và Hà Giang (thôn Buôn Đung). Để thực hiện chính sách trên tốt hơn, xã tuyên truyền, vận động đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng nhưng vẫn còn một số hộ không đăng ký với lý do là diện tích rừng nhận khoán cách xa nơi ở, rất khó thường xuyên đi rừng bảo vệ, trong khi trách nhiệm khi rừng bị xâm hại rất lớn. Theo Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, thời gian tới sẽ kiến nghị điều chỉnh đồng thời tìm kiếm những mô hình mới áp dụng phù hợp với từng khu vực cụ thể.

Ông Lê Văn Ốm (thôn Xóm Mới) xã Ninh Tây cho biết: Gia đình tôi nhận bảo vệ gần 24ha rừng căm xe Ninh Tây, được hỗ trợ tiền bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm và được sản xuất nông lâm kết hợp dưới tán rừng. Nhờ đó, gia đình tôi có thu nhập ổn định. Ông cho biết thêm, ở địa phương còn có 9 hộ người Kinh, Raglai, Ê-đê, Khơ-me cũng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đến nay cuộc sống dần ổn định.

Theo ông Phạm Minh Tuyến - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết: Để từng bước khôi phục, phát triển rừng căm xe Ninh Tây, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng, cuối năm 2022, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt cho đơn vị trồng rừng thay thế tại các khoảnh 6, 7, 8 Tiểu khu 72 (xã Ninh Tây). Đến đầu năm 2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã trồng được 14,29ha cây căm xe trên một số diện tích đất trống tại khu vực rừng căm xe. Trong giai đoạn 2023 - 2027, đơn vị sẽ tiếp tục chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng mới trồng này để khôi phục một phần diện tích rừng căm xe.

“Với mục tiêu bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây phát triển tốt hơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa triển khai lồng ghép với chính sách hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đơn vị đang tính toán việc trồng xen các loại cây ngắn ngày, cây dược liệu, kết hợp chăn nuôi nhằm khai thác tiềm năng dưới tán rừng; góp phần tạo thêm thu nhập cho các hộ nhận khoán, gắn bảo vệ rừng với phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, ổn định và hiệu quả thiết thực hơn. Chúng tôi hy vọng, từ hiệu quả của đề án thí điểm này, rừng căm xe Ninh Tây sẽ từng bước phục hồi, phát triển”, ông Tuyến nói

Sau 3 năm triển khai, công tác bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như thời điểm mới triển khai đề án, trên diện tích rừng được giao khoán xảy ra 39 vụ vi phạm, thì từ đầu năm 2023 đến nay, số vụ vi phạm giảm xuống chỉ còn 10 vụ. Trong đó, có 5 hộ chưa để xảy ra vụ vi phạm nào trong phần diện tích được giao khoán.

Nhờ những người dân có ý thức cao trong việc giữ rừng, nên nhiều cánh rừng ở Khánh Hòa vẫn giữ được màu xanh vốn có của đại ngàn. Thời gian tới, các đơn vị chủ rừng tiếp tục triển khai giao khoán bảo vệ rừng kết hợp nhân rộng các mô hình sinh kế gắn với đầu tư phát triển lâm nghiệp; vận động thêm các hộ dân tham gia, phát triển mở rộng đầu tư các mô hình cả về quy mô, chất lượng, đồng thời tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật vào hoạt động trồng rừng, chăn nuôi gia súc và trồng trọt dưới tán rừng, góp phần bảo vệ rừng, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Tây - Khánh Hòa: Hiệu quả từ việc giao khoán bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO