Xã hội

Mùa Xuân đẹp nhất

PGS,TS Nguyễn Thanh Tú 29/04/2024 13:54

Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.

Chỉ có mùa xuân giải phóng, non sông mới thống nhất, con Lạc cháu Hồng mới đoàn tụ một nhà, để biết thương nhau hơn, yêu nhau hơn. Cảm ơn Đời, cảm ơn Cách mạng, biết ơn Bác Hồ kính yêu đã lãnh đạo toàn dân ta tranh đấu để có mùa xuân đầu tiên ấy - mùa xuân tuyệt đẹp trong lòng dân tộc Việt Nam…

Có lẽ Lê Quý Đôn (trong “Phủ biên tạp lục” - 1776) là người đầu tiên nhắc tới địa danh Sài Gòn.

Về tên gọi còn nhiều tranh luận, nhưng, dựa vào âm chữ Hán và chữ Nôm trong “Sài Gòn năm xưa”, học giả, nhà văn, nhà văn hóa Vương Hồng Sển cho rằng, khi người Hoa rời Cù lao Phố (Biên Hòa) vào năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn. Nhận ra đây là nơi “ăn nên làm ra” cần được củng cố cho thật bền vững nên cho đắp thêm bờ kinh cao ráo và kiên cố hơn, rồi họ gọi vùng đất này là “Tai - Ngon” hay “Tin - Gan”, mà theo Hán Việt là “Đề Ngạn”. “Đề Ngạn” phát âm theo giọng Quảng Đông là “Thầy Ngồn” hay “Thì Ngòn”. Đó chính là âm để gọi vùng đất Chợ Lớn thời ấy.

Âm “Sài Gòn” là từ “Thầy Ngồn”, “Thì Ngòn” mà ra.

Ý kiến này được nhiều người đồng tình.

z5386178310558_ed09c82336ff334e23933c11b59f166a.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng vui mừng gặp nhau tại Sài Gòn sau ngày thống nhất đất nước 5/1975. Ảnh trưng bày tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội

Năm 1914, Sài Gòn vẫn là vũng sình lầy, ruộng lúa, nơi chăn vịt. Vẫn theo học giả Vương Hồng Sển, từ sau 1946, người Pháp gọi Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông” (La perle de l'Extrême-Orient) để chỉ nơi ăn chơi xa xỉ của họ. Người Mỹ nhảy vào “can thiệp” vẫn gọi “Hòn ngọc Viễn Đông” (The Pearl of the Far East) để khuếch trương “văn minh Mỹ”, thực tế “Sài Gòn” là một “khu ổ chuột” khổng lồ. Hầu như sống bằng viện trợ Mỹ, 20 năm dưới thời Ngụy, Sài Gòn chịu nhiều hậu quả, hệ lụy nặng nề về xã hội, kinh tế, văn hóa...

Theo các công bố, đến đầu năm 1975, Sài Gòn có khoảng 4 triệu người thì có tới 150.000 người nghiện ma túy; 500.000 gái mại dâm; 800.000 trẻ mồ côi lang thang… Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng, Sài Gòn là địa bàn kháng chiến chiến lược của ta. Nhưng Sài Gòn cũng được Mỹ chọn là nơi đóng đô của Ngụy quyền. Vì vậy, nhiệm vụ của Cách mạng miền Nam đặt ra là giải phóng Sài Gòn - cũng tức là giải phóng miền Nam.

Chặng đường mười ngàn ngày kháng chiến (1945 - 1975), không gian, thời gian như bị nén chặt để ngày 30/4/1975 bùng mở hào quang ánh sáng như một sự kỳ diệu của lịch sử. Cả dân tộc là một rừng cờ sao, miên man, vỡ òa niềm vui trong chiến thắng. Cả đất trời sôi động trong bản hòa ca. Thế giới nghiêng mình, chiêm ngưỡng tư thế dân tộc Việt Nam hiên ngang, chói ngời trong bầu trời văn hóa hòa bình của nhân loại.

Đúng với thiên chức ghi lại hơi thở của đời sống bằng âm thanh và giai điệu, những bài ca cách mạng - dẫu chỉ bằng dự cảm, “tiên tri”, nhưng đã “vẽ” nên bức tranh mùa xuân - bức tranh đẹp nhất về mùa xuân đẹp nhất, mùa xuân đầu tiên ở thời điểm vô cùng trọng đại của dân tộc.

z5386180064681_3e74503e0de9428a017675a818dfa328.jpg
Nhân dân Sài Gòn diễu hành ngày 15/5/1975 mừng thành phố được giải phóng. Ảnh: TTXVN

Từ năm 1961, để chào mừng sự kiện thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng đã viết “Giải phóng miền Nam” làm ca khúc chính thức của Mặt trận. Hình ảnh những đoàn quân rầm rập tiến về giải phóng miền Nam với những bước chân rắn rỏi và mạnh mẽ; đi trong lời hiệu triệu hùng tráng: “Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng!”; đập tan thành trì cuối cùng của bè lũ đế quốc, tay sai; mở toang cánh cửa mùa xuân, bước tới chân trời tương lai, mới mẻ, rực rỡ: “Vận nước đã đến rồi/ Bình minh chiếu khắp nơi/ Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”.

Đến năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ác liệt thì “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ra đời bằng hình dung viễn cảnh 9 năm sau: “Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây”… Tháng 3/1975, với “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, nhạc sĩ Xuân Hồng bắt đầu đặt những nét vẽ đầu tiên lên bức tranh mùa xuân hòa quyện cảnh và tình. Một mùa xuân với xanh lá tươi hoa; với dòng Bến Nghé trong mát; với chợ Bến Thành đông vui tấp nập. Nhưng đẹp hơn, xúc cảm hơn, là mùa xuân rợp bóng cờ bay trong thiên anh hùng ca chiến thắng; mùa xuân vui trào nước mắt, ngất ngây, ngỡ ngàng tưởng đây là giấc chiêm bao: “Ngày đi như trong đêm mơ/ tuổi lớn rồi mà như ngây thơ”.

“Tiếng hát thành phố mang tên Người” của nhạc sĩ Cao Việt Bách (sáng tác ngày 24/4/1975), “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà (viết trong đêm 26/4/1975); “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên (viết đêm 28/4/1975)… và bao giai điệu khác dẫu hoàn thành trước thời khắc 30/4/1975 nhưng đều hướng tới phác thảo bức tranh đất nước vui bất tận trong ngày xuân toàn thắng. Như một sự thai nghén thời cuộc, những âm vang ấy đã nung nấu sẵn, chỉ chờ thời khắc 30/4/1975 là bật ra, trọn vẹn, hoàn mỹ, là những tráng ca, hoan ca, tụng ca vút cao lên bầu trời tự do, ngân vang âm hưởng hai tiếng Việt Nam!

Có thể nói, mùa Xuân 1975 và đặc biệt trong thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước, đã có hàng trăm ca khúc viết về chủ đề Giải phóng với tất cả những gì tươi đẹp nhất, được cảm nhận không chỉ bằng mắt thấy tai nghe mà bằng trái tim rạo rực niềm vui, niềm hạnh phúc, tự hào. Những giai điệu viết bằng khát vọng thực sự là bản tổng phổ vĩ đại, hoành tráng nhất trong lịch sử âm nhạc dân tộc, nâng biểu tượng Thành phố mang tên Bác bay lên trong bát ngát mùa xuân.

Xuân 1975 - mùa xuân đầu tiên sau hơn 30 năm ròng kháng chiến, Bắc - Nam liền một dải, non sông thu về một mối, đất nước trọn niềm vui, người người sum họp, nhà nhà đoàn tụ, có người đứng ngẩn ngơ ngắm mãi ngôi nhà cũ, nơi mình sinh ra và lớn lên mà ngỡ như đang trong giấc chiêm bao... “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Người mẹ nhìn đàn con nay đã về”. Lời hát của Văn Cao trong nhạc phẩm để đời “Mùa xuân đầu tiên” đã nói thay cho hàng triệu con tim Việt, vui mừng, hân hoan trong mùa hội tụ đầu tiên.

Hơn một năm sau ngày Giải phóng, ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.

Quyết nghị được Quốc hội căn cứ vào 2 cơ sở: Một là “nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người” và hai là “trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Trước khi có quyết định chính thức ấy, người dân Sài Gòn và nhiều giới, nhiều người đã tự đặt và gọi tên “Thành phố Hồ Chí Minh”, từ sự kiện Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945); đến buổi họp mặt thân thiện của những người Nam Bộ ở Hà Nội kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn (25/8/1945 - 25/8/1946) và ý tưởng đề xuất đổi tên thành phố Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp; hay trong các nhạc phẩm sáng tác trước thời điểm 30/4/1975, thanh âm “Thành phố Hồ Chí Minh” đã được nhắc đến rất nhiều. Nhưng, phải có mùa Xuân năm 1975 kết thúc chiến tranh mới có cuộc tổng tuyển cử cả nước lần thứ 2 để có Quốc hội khóa VI - Quốc hội thống nhất đã dành ngày 2/7/1976 của kỳ họp đầu tiên để ra Nghị quyết lịch sử cho Sài Gòn được mang tên Bác kính yêu.

Vâng! Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực. Chỉ có mùa xuân giải phóng, non sông mới thống nhất, con Lạc cháu Hồng mới đoàn tụ một nhà, để biết thương nhau hơn, yêu nhau hơn. Cảm ơn Đời, cảm ơn Cách mạng, biết ơn Bác Hồ kính yêu đã lãnh đạo toàn dân ta tranh đấu để có mùa xuân đầu tiên ấy - mùa xuân tuyệt đẹp trong lòng dân tộc Việt Nam.

Hôm nay, Thành phố đang xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, lấy đó là động lực quan trọng để xây dựng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số. Mùa xuân đầu tiên đã mở ra những mùa xuân nối tiếp mùa xuân… Trong những ngày mùa xuân ý nghĩa này, những âm thanh “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” lại vút lên, ngân vang, bất tận…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa Xuân đẹp nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO