Xã hội

Xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An): Tìm hướng thoát nghèo cho người dân vùng biên giới

Đình Tiệp (thực hiện) 24/04/2024 - 16:15

Hạnh Dịch là một trong những xã biên giới của huyện vùng cao Quế Phong, tỉnh Nghệ An với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, giảm nghèo là mục tiêu hàng đầu mà cả hệ thống chính trị xã này đang tập trung thực hiện. Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lô Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết những nét khái quát cơ bản về xã Hạnh Dịch?

Ông Lô Văn Việt: Hạnh Dịch là xã vùng cao biên giới của huyện Quế Phong, có tổng diện tích tự nhiên là 18.019,34 ha. Xã có 6 thôn bản với 825 hộ và 3.639 nhân khẩu; có 02 dân tộc cùng sinh sống, bản làng chủ yếu bám dọc theo sông Nậm Việc, trong đó: dân tộc Thái chiếm 99,4% dân số toàn xã, dân tộc Kinh chiếm 0,6%. Xã có chung đường biên giới với nước bạn Lào dài 13,063 km (giáp 02 bản Nậm Táy Và Nậm Bống thuộc Cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn), quản lý 04 mốc quốc giới là 367, 368, 369 và 370.

anh-viet.jpg
Ông Lô Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch.

PV: Thời gian qua xã Hạnh Dịch đã thực hiện mục tiêu giảm nghèo như thế nào? Những mô hình đã và đang triển khai và những kết quả đạt được cho đến thời điểm hiện nay?

Ông Lô Văn Việt: Thời gian qua xã Hạnh Dịch luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể và tinh thần cố gắng vươn lên trong cuộc sống, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của người dân. Trong những năm qua đã có nhiều hộ gia đình viết đơn xin thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo mặc dù còn cao so với mặt bằng chung của toàn huyện nhưng đều giảm dần qua các năm; các hộ thoát nghèo bền vững(tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 là 38,44%, Cận nghèo là 20,55%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 là 33,45%, Cận nghèo là 24,60%).

lang.jpg
Một góc bản Long Thắng với đặc trưng nhà sàn lợp bằng gỗ Samu, có 6 hộ gia đình hoạt động Homestay.

UBND xã đã Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời đã giúp cho người nghèo giảm bớt khó khăn, từ đó tạo điều kiện tìm kiếm được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được quan tâm đầu tư từng bước được cải thiện, nâng cao. Các chương trình y tế, giáo dục, mạng lưới thông tin tuyên truyền được các ngành quan tâm đáp ứng nhu cầu phục vụ cho nhân dân và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Xã cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời triển khai xây dựng các mô hình để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân, tiêu biểu như:

dua-2.jpg
Mô hình trồng Dưa nại tại bản Vinh Tiến.

Triển khai mô hình trồng Dưa tại bản Vinh Tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là giống dưa được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đặc biệt, dưa rất ngon và giòn, được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, bà con thực hiện trồng luân canh các loại rau màu như su hào, bắp cải, đậu đũa, ngô, lạc... qua đó, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.Xây dựng mô hình trồng khoai sọ tại bản Long Thắng với diện tích 1 ha. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Hiện nay trên địa bàn xã đang trồng thử nghiệm mô hình Khoai Sâm, khoai đang phát triển tốt.

khoai.jpg
Mô hình trồng khoai sọ ở bản Long Thắng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc gắn với phát triển kinh tế gia đình, duy trì tổng đàn hợp lý. Tuyên truyền, vận động hướng dẫn bà con vay vốn tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. Điển hình như mô hình nuôi lợn đen sinh sản và lợn thịt của hộ gia đình anh Hà Văn Kỳ bản Quang Vinh với tổng đàn lợn mạ là 15 con; lợn thịt 20 con; mô hình nuôi lợn đen của chị Trương Thị Lành - bản Vinh Tiến với tổng đàn hơn 50 con, mỗi năm cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng.

Ngoài ra, làm tốt công tác tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các các chương trình, dự án của cấp trên hỗ trợ như: Dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội - Mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Khu KTQP Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An/Quân khu 4 năm 2023 hỗ trợ 30 con Trâu; 49 con Bò; 2000 con Vịt, 2000 gà, 80 con Lợn. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia huyện Quế Phong hỗ trợ 60 con bò. Hiện nay, cơ bản số con giống đều phát triển tốt. Một số đã sinh sản và cho xuất bán (gà, vịt).

trau-2.jpg
trau-1.jpg
Xã có điều kiện để chăn nuôi đàn gia súc.

Trên địa bàn xã các hộ gia đình, chủ rừng thực hiện tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Trong năm 2023, thực hiện trồng mới được: 91,3 ha chủ yếu là cây keo, quế, lát, sa mu dầu... Tỷ lệ che phủ rừng đạt: 96%.

Chỉ đạo hội đông y làm tốt công tác quy hoạch, trồng và bảo tồn các loại cây dược liệu, cây thuốc quý hiếm. Hiện tại, hội đông y xã hoạt động rất tốt, các sản phẩm của hội như thuốc dùng sau sinh đẻ, xương khớp, gan... rất được ưa chuộng. Các thành viên của hội đông y thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 - 120 triệu đồng.

Đặc biệt, xác định phát triển du lịch cộng đồng rất phù hợp với địa phương. UBND xã đã tập trung xây dựng phát triển khu du lịch sinh thái Homestay tại bản Long Thắng gắn với quần thể thác 7 tầng và quần thể rừng cây Săng Vì.

z5360040966097_32685511282a41dca77f375318e3880f.jpg
Khu du lịch sinh thái Homestay tại bản Long Thắng gắn với quần thể thác 7 tầng và quần thể rừng cây Săng Vì sẽ là điểm nhấn để Hạnh Dịch thu hút du khách, phát triển kinh tế trong tương lai gần. (Ảnh: Hà Huy).

Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức quy hoạch và kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển du lịch tại thác 7 tầng; khôi phục các món ẩm thực truyền thống của đồng bào Thái và các sản vật truyền thống khác như: mây, tre đan, dệt thổ cẩm... nhằm phục vụ khách du lịch. Số lượt khách đến thăm quan tại thác 7 tầng và tại Làng Thái cổ trong năm 2023 là hơn 5.000 lượt khách. Hiện tại, trên địa bàn xã có 6 hộ gia đình hoạt động Homestay tại bản Long Thắng, trong đó có 3 hộ được hỗ trợ 100 triệu đồng/ hộ theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Nghệ An.

PV: Những khó khăn mà xã nhà đang phải đối mặt trong công tác giảm nghèo là gì, thưa ông?

Ông Lô Văn Việt: Do địa bàn xã Hạnh Dịch là xã miền núi biên giới, vùng sâu vùng xa, địa hình đồi núi, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như sạt lở, lũ quét. Trình độ dân trí thấp ảnh hưởng đến mức độ tiếp cận các chính sách của đảng, nhà nước và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của toàn huyện; Người dân thiếu vốn và thiếu đất đất sản xuất.

rau-2.jpg
Do là xã vùng cao, địa hình chia cắt nhiều bởi đồi núi nên người dân còn thiếu vốn và thiếu đất đất sản xuất.

PV: Vậy xin ông cho biết các giải pháp tiếp theo trong thời gian tới cho chương trình mục tiêu giảm nghèo của xã để khắc phục khó khăn, giảm nghèo bền vững?

Ông Lô Văn Việt: Xã sẽ tiếp tục vận dụng và tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương; tỉnh, huyện. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng một cách đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông để tạo cơ hội giao thương, việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn lực để họ tự vươn lên.

lon.jpg
Địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực để giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Chỉ hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội như giáo dục, y tế... còn các chính sách khác sẽ hỗ trợ theo hướng gián tiếp, hỗ trợ các điều kiện nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn bà con vay vốn, sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi có hiệu quả để phát triển sản xuất.

z5360039367282_e7cbcd88cfbdf9a65914622c64c85bc5.jpg
Trung tâm xã Hạnh Dịch. (Ảnh: Hà Huy).

Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác việc làm, xuất khẩu lao động. Đây là một trong những giải pháp căn cơ để giúp giảm nghèo trên địa bàn. Tính đến nay tổng số lao động có hợp đồng ở nước ngoài trên địa bàn xã là 17 lao động, chủ yếu thị trường các nước Đài Loan, Nhật Bản, Malaixia. Lao động đi làm tại các doanh nghiệp trong nước là 709 người.

Ngoài ra, cũng cần có cơ chế chính sách riêng đối với các xã biên giới đặc biệt khó khăn như xã Hạnh Dịch để xã có tiền đề vươn lên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An): Tìm hướng thoát nghèo cho người dân vùng biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO