Xã hội

Ngày mới ở Kon Tum

Ghi chép của Đức Hải 25/04/2024 - 14:05

(TN&MT) - Ngày nay, khi đi tuyến đường bộ từ miền Bắc lên Tây Nguyên, các lái xe thường chọn tuyến đường Hồ Chí Minh chạy từ Quảng Nam lên Ngọc Hồi - Kon Tum rồi đi các tỉnh Tây Nguyên. Dọc tuyến đường, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày được trồng khắp nơi giúp đời sống người dân ổn định và phát triển... Vùng đất Kon Tum trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, sau hơn 40 năm, Kon Tum nay đã “hồi sinh”.

Chuyện của những người lính

Trong một lần tâm sự với phóng viên, ông Phạm Trần Xuyên trú tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng, kể: Mỗi lần nhắc đến các địa danh Đèo Lò Xo, Ngọc Hồi, Tân Cảnh… là ông lại bồi hồi. Bởi đó là nơi ông có hơn 10 năm chiến đấu với những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh.

4(2).jpg
TP. Kon Tum hôm nay

Lần giở cuốn sổ cũ kỹ với những dòng chữ ngoằn ngoèo viết vội, ông kể, ông nhập ngũ vào tháng 5/1967. Sau 3 tháng tập luyện tại vùng Yên Tử (Quảng Ninh), đơn vị của ông lập tức hành quân vào chiến trường. Ngày đó, đơn vị phải đi cả tháng mới đến rừng Trường Sơn. Ngày nghỉ nhờ nhà dân, đến đêm mới di chuyển. Hết lương thực thì được các trạm giao liên dọc đường tiếp tế. Cho đến khi vào đến Kon Tum, đơn vị của ông lúc thì sang Lào, lúc lại về cứ điểm đèo Lò Xo chốt chặn giữa vùng Quảng Nam và Kon Tum để chiến đấu.

Nghĩ đến giây phút đó, ông Xuyên xúc động kể lại: Cả ngày, tiếng máy bay của quân địch cứ rít trên bầu trời. Chỉ cần khả nghi là máy bay của Mỹ ném bom ngay. Quân ta, với lối đánh du kích, thoắt ẩn, thoắt hiện nên kẻ địch khó lần. Sau chiến tranh, ông Xuyên xuất ngũ trở về quê hương. Nhưng hàng năm, cứ đến ngày 30/4, ông lại bồi hồi nhớ về những ngày chiến đấu.

Ông Dương Văn Khang trú tại xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình lại có hoàn cảnh khác, hằng năm, vào ngày 30/4, ông lại bắt xe khách vào nghĩa trang Sa Thầy để thắp hương cho người anh trai của mình - liệt sỹ Dương Văn Cúc (Các), hi sinh ngày 17/6/1972 tại chiến dịch Tây Nguyên.

Xúc động, ông Khang kể về những chuyện vui buồn quân ngũ. Ông cho biết, người anh đi chiến trường Tây Nguyên sau đó bặt tin. Khi hòa bình lặp lại, gia đình mới biết người anh đã hi sinh trong một trận đánh tại Kon Tum. Sau này, nhờ có thầy giáo Lê Văn Hinh (nhà ở gần Nghĩa trang quốc gia Sa Thầy) viết 1 lá thư gửi về xã, thông báo có ngôi mộ của liệt sỹ Dương Văn Cúc đang an táng tại đây. Lúc đó, gia đình mới biết và vào tìm mộ…

Chiến dịch Tây Nguyên hào hùng

Trong bảo tàng của tỉnh Kon Tum còn lưu giữ một kho tư liệu về lịch sử của vùng đất này. Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Kon Tum luôn là nơi đụng độ nảy lửa, nơi diễn ra nhiều chiến dịch lớn làm xoay chuyển tình thế, cục diện chiến trường.

1(2).jpg
Chiếc xe tăng tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972

Còn nhớ, mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, quân và dân Kon Tum đã phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên (B3) bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Sa Thầy mùa khô 1966, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch.

Tiếp đó là chiến thắng Đăk Tô mùa Đông 1967, một chiến công vang dội, đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất vì đã: Ghi thêm vào trang sử quyết thắng của dân tộc những nét vàng son chói lọi... là một trong những chiến thắng lớn nhất mở đầu Đông - Xuân quyết thắng 1967 - 1968 của miền Nam anh hùng.

Trong cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, đêm 29 rạng sáng ngày 30/1/1968 (mùng 1 Tết), cùng toàn miền, quân và dân tỉnh Kon Tum đã nổ súng, đồng loạt tấn công các mục tiêu quan trọng của địch tại 2 vùng trọng điểm là thị xã Kon Tum và Đăk Tô - Tân Cảnh. Đầu năm 1969, bộ đội ta đã tấn công đồng loạt vào các cứ điểm lớn của địch tại thị xã Kon Tum, Măng Đen, Măng Buk, Đăk Tô - Tân Cảnh và Đăk Pét. Các cao điểm Ngọc Bơ Biêng, Ngọc Dơ Lang, Ngọc Kom Liệt đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân giặc. Và tiếp đó là Chiến thắng Đăk Xiêng Xuân - Hè 1970...

Cuối năm 1971, Quân ủy Trung ương xác định Tây Nguyên là hướng tiến công chính của bộ đội chủ lực trong cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972; Kon Tum - Đăk Tô - Tân Cảnh được xác định là mũi trọng yếu, then chốt.

Ngày 2/2/1972, Chiến dịch tấn công và nổi dậy Xuân - Hè 1972 trên chiến trường Kon Tum mở màn. Sau hơn 2 tháng chủ động tấn công, bao vây, chia cắt, đến ngày 18/4/1972, toàn bộ các cứ điểm, điểm cao quanh Đăk Tô - Tân Cảnh của địch bị tiêu diệt. Đúng 5h sáng ngày 24/4/1972, sau những trận pháo kích cuối cùng, Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công được sự yểm trợ của 9 xe tăng của lữ đoàn 273, cùng các đơn vị bộ đội tỉnh đã tấn công tiêu diệt căn cứ E42 Đăk Tô - Tân Cảnh.Đến 11h trưa ngày 24/4/1972, ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Tiếp đó trong các năm 1973 - 1974, bên cạnh việc giữ vững và bảo vệ vùng giải phóng, ta lần lượt tấn công và tiêu diệt các cứ điểm Đăk Pét (15/5/1974), Măng Buk (20/8/1974) và Măng Đen (30/10/1974), địch chỉ còn hang ổ cuối cùng tại thị xã Kon Tum...

Trưa 16/3/1975, các lực lượng của tỉnh từ các hướng đã áp sát vào thị xã Kon Tum, tiếp quản một số vùng phụ cận. Đêm 16/3/1975, tất cả các lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh đã đột nhập và chiếm lĩnh tòa hành chính và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum, giải phóng mảnh đất này.

Đổi thay của một vùng đất

Sau ngày thống nhất đất nước, phát huy truyền thống cách mạng, người dân Kon Tum luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng vùng đất cách mạng năm nào ngày càng giàu đẹp.

Trong 20 năm chống Mỹ, chiến trường Tây Nguyên có 10 chiến dịch lớn thì riêng Kon Tum đã là nơi diễn ra 7 chiến dịch. Đó là: Chiến dịch Sa Thầy mùa khô 1966, Chiến dịch Đăk Tô mùa Đông 1967, sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đăk Tô mùa Hè 1969, Chiến thắng Đăk Xiêng 1970, Chiến dịch tiến công Ngọc Tô Ba - Ngọc Rinh Rua Xuân - Hè 1971 và chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972... đã biến Kon Tum trở thành “Đất lửa kiên cường”.

Theo chia sẻ của ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương, Kon Tum đã biết tận dụng và phát huy chính những lợi thế của mình. Trong đó phải kể đến như tiềm năng phát triển thủy điện trên sông Sê San - dòng sông lớn thứ 3 trong hệ thống sông của Việt Nam (sau sông Đà và sông Đồng Nai) với tổng công suất 1.740MW, tổng sản lượng điện trung bình 10.450 tỷ KWh/năm. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện Ya Ly, hồ Plei Krông… cùng các hồ thủy lợi có dung tích lớn như: Đắk Hniêng, Đắk Uy... là các hồ giữ nước trong mùa khô, vừa tưới tiêu phục vụ sản xuất, vừa triển khai nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt và phát triển các dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, các ao, hồ ở huyện Kon Plông với độ cao 1.100m rất thích hợp cho việc kinh doanh phát triển cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm…

Ngoài ra, Kon Tum còn có suối nước nóng Ram Phia, Kon Nit… là những suối chứa nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh khá hiệu quả… Mỗi năm, ngành công nghiệp không khói này mang lại nguồn thu ngân sách khá lớn cho tỉnh.

Bên cạnh đó, Kon Tum còn nổi tiếng với quốc bảo sâm Ngọc Linh. Ông Nguyễn Tấn Liêm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cho hay: Sâm Ngọc Linh là một trong những loài sâm quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển được trên 900ha sâm Ngọc Linh. Cùng với sự vào cuộc của Bộ Khoa học và Công nghệ, sâm Ngọc Linh sẽ sớm trở thành thương hiệu quốc gia…

Được biết, tỉnh Kon Tum cũng tập trung đầu tư xây dựng 3 vùng kinh tế động lực là: Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) và thành phố du lịch Kon Tum nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày mới ở Kon Tum
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO