Môi trường

Hiệu quả từ bản tin thời tiết nông vụ

Trung Nguyên 26/04/2024 - 18:35

(TN&MT) - Những năm qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai bản tin thời tiết nông vụ thường xuyên, giúp bà con nông dân xác định thời điểm xuống giống phù hợp và lập kế hoạch thời vụ, sản xuất hợp lý.

Định hướng điều chỉnh sản xuất phù hợp

Từ năm 2021 đến nay, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai áp dụng dự báo thời tiết, khí hậu vào sản xuất nông nghiệp cho một số địa phương dựa trên các kết quả của nghiên cứu “Áp dụng dự báo thời hạn mùa và các giải pháp bảo hiểm tiên tiến vào quản lý rủi ro khí hậu trong ngành nông nghiệp ở Đông Nam Á”, do Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế khu vực châu Á (gọi tắt là CIAT) thực hiện.

Mỗi địa phương sẽ đưa ra bản tin đưa ra thông tin dự báo thời tiết và các khuyến nghị canh tác theo mùa, theo tháng hoặc 10 ngày phù hợp cho các loại cây trồng chủ lực của các huyện/tỉnh đó. Nội dung được xây dựng dựa trên sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, khí tượng thủy văn, thủy lợi, cũng như đóng góp ý kiến của người dân.

anh-1.png
Bản tin thời tiết nông vụ theo mùa được dán ở các khu vực sinh hoạt cộng đồng tại địa phương

Bản tin thời tiết nông vụ thời hạn mùa (bản tin mùa) sử dụng cho mùa vụ trong khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng. Thông tin là đầu vào để xây dựng các khuyến cáo cho kế hoạch quản lý cây trồng (giai đoạn xuống giống, chọn giống cây, nhu cầu tưới tiêu, và vật tư đầu vào). Trong bước sản xuất, hai thành phần quan trọng là cán bộ từ các trung tâm khí tượng thủy văn cấp tỉnh hoặc cấp vùng/quốc gia và cán bộ nông nghiệp của Sở NN&PTNT hoặc Chi cục Trồng trọt. Cán bộ KTTV sẽ cung cấp các dữ liệu thời tiết/khí hậu và dự báo theo mùa, còn cán bộ nông nghiệp/chi cục Trồng trọt sẽ cung cấp dữ liệu nông nghiệp. Tổ kỹ thuật bao gồm đại diện các bên liên quan sẽ cùng tham gia thảo luận và soạn thảo bản tin dựa trên các thông tin này. Sau đó, các bản tin này được in áp phích để dán tại các nhà sinh hoạt cộng đồng, những điểm sinh hoạt có đông dân cư. Ngoài ra, còn được chuyển tải qua kênh zalo, phát trên loa truyền thanh... hình thức truyền tải thông tin linh hoạt nhằm tiếp cận đến đông đảo nồn dân trên địa bàn.

Đối với bản tin thời tiết nông vụ thời hạn tháng và 10 ngày, thông tin bao gồm dự báo thời tiết cho tháng hoặc 10 ngày tới, tình hình sinh trưởng của cây trồng, các loại sâu bệnh cần đề phòng và các khuyến nghị nông nghiệp cần thiết. Dựa trên dữ liệu dự báo thời tiết và dữ liệu nông nghiệp của giai đoạn trước đó, các bên liên quan sẽ cùng thảo luận và soạn thảo bản tin, trong đó khuyến nghị các quyết định ngắn hạn như ngày xuống giống, bón phân, điều tiết nước, quản lý sâu bệnh, thu hoạch và phơi nông sản.

Thực tiễn triển khai tại các tỉnh cho thấy, bản tin thời tiết nông vụ đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân. Mỗi địa phương có những loại cây trồng chủ lực và địa hình khác nhau, bởi vậy tác động của thời tiết lên sản xuất nông nghiệp cũng khác nhau. Các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như: nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, bão... và cũng có thể tác động gián tiếp thông qua sâu bệnh, dịch bệnh, nhiễm mặn... Do vậy, các khuyến nghị nông nghiệp dựa trên thông tin khí hậu địa phương có thể hỗ trợ cải thiện việc lập kế hoạch, phục vụ trực tiếp cho điều chỉnh hoạt động sản xuất (ví dụ: chọn giống cây trồng thích hợp, ngày gieo trồng và quản lý cây trồng) và tăng cường khả năng phục hồi của các hộ nông dân trước rủi ro khí hậu.

anh-2.png
Người dân tiếp cận thông tin thời tiết nông vụ nhanh chóng qua điện thoại

Chia sẻ về lợi ích của bản tin, ông Ngô Tấn Hùng, xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho biết, gia đình trồng khóm là chủ yếu. Mặc dù cây khóm chịu hạn tốt, chịu ngập khá nhưng vùng đất canh tác trũng thấp nên vẫn phải đào mương, trữ nước. Bản tin nông vụ giúp gia đình ông biết thông tin chế độ thủy triều, thời gian mưa để từ đó chủ động dẫn nước hoặc thoát lũ.

Khảo sát tại 3 huyện Trần Đề, Kế Sách và Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) cho thấy, trong vụ Hè Thu 2022, nội dung dự báo thời tiết rất dễ hiểu, chi tiết mỗi ngày giúp người dân có kế hoạch gieo sạ, chăm sóc và thu hoạch phù hợp tránh ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết. Qua đó đã có 75% nông dân điều chỉnh thời gian xuống giống, 69% điều chỉnh kỹ thuật canh tác theo khuyến cáo và 35% điều chỉnh ngày thu hoạch. Nhờ vậy cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt. Đặc biệt, những thông tin liên quan đến dự báo khí tượng thủy văn cũng giúp địa phương phối hợp tốt với Trạm Quản lý thủy nông để vận hành cống, điều tiết nguồn nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp của bà con, hạn chế được những tác động bất lợi từ yếu tố thời tiết.

Nông dân Dương Khen ở ấp Kinh Ngang, xã Long Phú, huyện Long Phú chia sẻ: Bản tin này giúp nông dân sản xuất đúng theo lịch thời vụ để giảm rủi ro dịch hại. Nắm được diễn biến tình hình dịch hại để chủ động biện pháp phòng trừ kịp thời. Các nội dung dự báo về độ mặn về lượng mưa... cũng có độ chính xác cao, từ đó giúp nông dân bố trí được thời gian phun thuốc, bón phân hợp lý để đảm bảo không thất thoát do mưa.

Giảm thiệt hại do thiên tai

Theo Cục Trồng trọt, kết quả ban đầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, bản tin đã được triển khai từ 1 tỉnh vào năm 2021, lên thành 7 tỉnh vào năm 2022 và được nhân rộng tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2023. Chương trình có sự tham gia trực tiếp của 54 huyện và 544 xã.

Thống kê đến tháng 12/2023 cho thấy, 34.906 nông dân đã tham gia các nhóm Zalo và được nhận bản tin. Khoảng hơn 200.000 người hưởng lợi trực tiếp thông qua nhóm Zalo và gián tiếp thông qua chia sẻ từ các thành viên nhóm Zalo với các nông dân khác.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, chuyên viên Cục Trồng trọt, chia sẻ: Việc cung cấp thông tin thời tiết và khuyến cáo đi kèm không chỉ giúp người nông dân quyết định thời điểm và phương pháp canh tác, mà còn giúp họ giảm số lần phun thuốc trừ sâu/bệnh hại, giảm lượng phân bón sử dụng, và hạn chế thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh gây ra.

img_6448.jpg
Việc áp dụng bản tin góp phần làm tăng năng suất và doanh thu từ trồng lúa

Một khảo sát độc lập của CIAT tại Tiền Giang cho thấy việc áp dụng bản tin góp phần làm tăng năng suất và doanh thu từ trồng lúa, với năng suất lúa tăng bình quân 266 kg/ha và doanh thu bình quân 1,83 triệu đồng/ha. Việc tiến hành số hóa đã góp phần tối ưu hóa quy trình sản xuất bản tin, tiết kiệm thời gian và nhân lực, đồng thời chuẩn hóa chất lượng bản tin.

Trong thời gian tới, Cục Trồng trọt và CIAT định hướng đẩy mạnh sự tương tác hai chiều với người dân trên các nền tảng số, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương, và hướng tới mục tiêu phổ biến các khuyến nghị nông nghiệp giúp giảm phát thải, nâng cao dinh dưỡng và bảo tồn nông nghiệp đến các nông dân đã và đang hưởng lợi từ dự án. Bên cạnh đó, một số thách thức chính hiện nay bao gồm thiếu thông tin dữ liệu đầu vào và đặc biệt là thiếu nguồn ngân sách, cơ chế chính sách và hướng dẫn về dịch vụ khí hậu nông nghiệp. Nếu giải quyết được những vấn đề này sẽ giúp triển khai xây dựng và phổ biến bản tin rộng rãi hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ bản tin thời tiết nông vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO