Xã hội

Huy động sức mạnh tập thể trong công tác giảm nghèo

Vy Huyền 26/04/2024 - 18:34

(TN&MT) - Trong 3 năm (2021 - 2023), thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Bạc Liêu bước đầu đã góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1 - 1,5%, tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số giảm trên 3,18%/năm.

Trao "cần câu" cho người nghèo

Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đến năm 2025 đã đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm. Xuất phát từ thực tiễn trong nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã nhận ra rào cản lớn nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế gia đình là vốn đầu tư và khoa học - kỹ thuật. Bởi vậy, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ rào cản này. Cùng với tranh thủ nguồn hỗ trợ đầu tư của Trung ương; vận động các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo và Quỹ An sinh Xã hội, công tác huy động các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội cùng vào cuộc đã phát huy hiệu quả.

Điển hình là Hội Nông dân có phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; Hội Phụ nữ có phong trào giúp nhau làm kinh tế; Đoàn Thanh niên có phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp… Các phong trào đã khuyến khích, tạo động lực cho hộ nghèo, cận nghèo quyết tâm vươn lên, thay đổi cuộc sống gia đình thông qua xây dựng mô hình kinh tế. Chính vì thế, hằng năm trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện thêm nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh cho hiệu quả kinh tế cao. Bằng cách trao cho người nghèo “chiếc cần câu”, như: hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề và chia sẻ kinh nghiệm… đã giúp nhiều người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình.

anh-1(1).jpg
Hội viên Hội Phụ nữ sử dụng vốn vay để đầu tư hệ thống tưới tự động cho vườn rau, giảm công lao động và tăng thu nhập

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bạc Liêu, 3 năm qua, công tác giảm nghèo của đã từng bước đi vào chất lượng, bền vững, thể hiện qua tỷ lệ hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới rất thấp. Điển hình trong năm 2023, chỉ có 3 hộ tái nghèo và 176 hộ nghèo phát sinh mới (chiếm tỷ lệ khoảng 0,04% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh).

Đầu năm 2023, toàn tỉnh Bạc Liêu còn 7.233 hộ nghèo, tỷ lệ 3,19%, trong năm giảm được 3.347 hộ, tương đương 1,48% (từ 3,19% xuống còn 1,71%). Cuối năm 2023, số hộ nghèo còn lại là 3.886 hộ, tỷ lệ 1,71% (chỉ tiêu 1%/năm). Đặc biệt, Bạc Liêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhưng không tăng tỷ lệ hộ cận nghèo và gần như không tái nghèo.

Năm 2023, Bạc Liêu đã triển khai tổng số hơn 80 mô hình sinh kế cho trên 1.000 lượt hộ tham gia, chủ yếu là các mô hình sản xuất nông nghiệp như: chăn nuôi, trồng màu, đan đát… Qua đó, đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là chị em phụ nữ nghèo. Các mô hình sinh kế này không chỉ giúp tạo thu nhập, việc làm, tận dụng được diện tích đất trống hay bỏ hoang mà còn góp phần vào việc cải thiện bữa ăn, giảm và tiết kiệm chi phí cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo.

anh-3(1).jpg
Mô hình nuôi dê cải thiện sinh kế

Cùng với dự án đa dạng hóa sinh kế còn có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo và cận nghèo. Đơn cử như Sở NN&PTNT đã phối hợp với xã Vĩnh Thịnh thực hiện mô hình nuôi cá kèo thâm canh trong ao đất. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 840 triệu đồng, được triển khai tại ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình), có 30 hộ nghèo và 2 hộ dân làm kinh tế giỏi tham gia. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã phối hợp với các xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai các mô hình nông nghiệp cho hơn 400 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí hơn 2.314 triệu đồng.

Đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, kết nối việc làm

Thời gian qua, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững cũng đã góp phần rất tích cực vào công tác giảm nghèo của tỉnh. Nhiều hoạt động được triển khai như tổ chức Ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm và các lớp tập huấn hướng dẫn giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố… Cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí đã phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ cho người nghèo học nghề. Từ đó, giúp họ nhận thức đầy đủ hơn về lợi ích về việc học nghề để tăng thu nhập, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

anh-2(1).jpg
Một phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm giao dịch việc làm tỉnh bạc Liêu

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và công tác giảm nghèo như: Các văn bản quy định hướng dẫn thực hiện của Trung ương ban hành chưa đồng bộ, còn một số vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình tại địa phương; do điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh còn khó khăn nên việc giải quyết nhu cầu việc làm và đa dạng sinh kế của người dân tại địa phương còn hạn chế; một số ít bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng...

Năm 2024, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo mới thoát nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với trình độ lao động nghèo; giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh 18.500 lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 500 lao động…

Cùng với nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo trong công tác giảm nghèo, tỉnh Bạc Liêu xác định tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; lồng ghép công tác giảm nghèo với việc xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, sẽ tổ chức đối thoại các chính sách giảm nghèo với hộ nghèo, cận nghèo. Xác định nhu cầu cần hỗ trợ, giúp đỡ, đặc biệt là hộ nghèo ở vùng nông thôn không đất sản xuất. Đảm bảo hộ nghèo sau khi được hỗ trợ đều vươn lên thoát nghèo bền vững. Tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất - kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động sức mạnh tập thể trong công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO