Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết: Đối với công tác ứng phó với BĐKH trong thời gian tới, ngành TN&MT Bến Tre sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rác thải và khu vực biển. Theo đó, thông tin quan trắc và dự báo BĐKH, xâm nhập mặn được phổ biến kịp thời và rộng rãi đến cộng đồng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước. 90% cán bộ ngành TN&MT được tập huấn, phổ biến, cập nhật chính sách, chủ trương, thông tin mới về BĐKH.
Đồng thời, 100% nguồn nước, khu vực cấp nước quan trọng của tỉnh được bảo vệ. Các khu vực đa dạng sinh học, đất ngập nước, hệ sinh thái cửa sông, ven biển được bảo vệ, mở rộng. Giảm phát thải khí nhà kính phát sinh từ rác thải sinh hoạt thông qua thực hiện hiệu quả và nhân rộng ít nhất 01 mô hình phân loại, thu gom, xử lý (tái chế) rác thải sinh hoạt. 100% khu vực nông thôn không phát sinh lò đốt rác và bãi rác cấp xã. Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do sản xuất than thiêu kết.
Ngành TN&MT Bến Tre tập trung ứng phó với BĐKH thông qua bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước và khu vực vùng cửa sông, ven biển |
Theo ông Bùi Minh Tuấn, để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu trên, ngành TN&MT tỉnh Bến Tre đề ra 10 nhiệm vụ, nội dung trọng tâm. Trong đó, hoàn thành, vận hành hệ thống quan trắc dự báo mặn, chất lượng nước tự động và ứng dụng thông tin mặn trên điện thoại di động, website Sở TN&MT. Tổ chức hội thảo, phổ biến thông tin đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, lập hành lang bảo vệ các nguồn nước nhằm góp phần cho sự ổn định của vùng bờ sông và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước. Phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước. Thiết lập và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt bảo vệ nguồn nước trong điều kiện xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, đánh giá hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước mặt tỉnh Bến Tre để đưa ra giải pháp quản lý phù hợp, bền vững cho giai đoạn 2020 -2025 và định hướng đến 2050. Thực hiện quản lý tổng hợp về môi trường (bao gồm quan trắc, kiểm soát ô nhiễm, lập hành lang bảo vệ nguồn nước, đa dạng sinh học...). Trong đó, chú trọng đến hồ chứa nước ngọt trên sông Ba Lai - một trong những nguồn cấp nước sinh hoạt, sản xuất quan trọng của tỉnh Bến Tre ở hiện tại và đến năm 2023 khi hệ các cống thủy lợi trọng điểm của tỉnh Bến Tre hoàn thành.
Mặt khác, thực hiện việc lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các dự án, quy hoạch, nội dung truyền thông trên các lĩnh vực ngành; các dự án có sự tham gia góp ý của lãnh đạo, cán bộ thực hiện nhiệm vụ và chuyên gia BĐKH. Lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững ngành TN&MT đến năm 2030 vào kế hoạch phát triển ngành. Đánh giá tổng thể về rác thải sinh hoạt, sản xuất, rác thải nguy hại để có số liệu thống kê khoa học, thực tế làm cơ sở hoạch định chính sách; thu hút, thỏa thuận hợp tác đầu tư xã hội hóa, hợp tác công tư xử lý rác thải.
Ngành TN&MT Bến Tre tham mưu triển khai tốt Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre và Kế hoạch hành động về giải quyết rác thải nhựa của UBND tỉnh Bến Tre. Đánh giá hiệu quả, khả năng nhân rộng mô hình thí điểm thu gom xử lý rác thải sinh hoạt đã triển khai. Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn. Nhân rộng mô hình mô hình kiểm soát ô nhiễm trong chăn nuôi, tận dụng khí thải từ hoạt động chăn nuôi đã triển khai đạt kết quả.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu BĐKH, tài nguyên và môi trường biển phục vụ nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, quản lý về tài nguyên và môi trường. Khai thác dịch vụ hệ sinh thái trong ứng phó BĐKH thông qua bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước và khu vực vùng cửa sông, ven biển. Thực hiện đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học để có giải pháp quản lý cho giai đoạn 2021 - 2030.
Cũng theo Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre, để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, Sở TN&MT Bến Tre đã giao trách nhiệm cho Chi cục Bảo vệ môi trường và Tổ BĐKH làm đầu mối triển khai, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch. Đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ, dự án, truyền thông và theo dõi, giám sát thực hiện nhằm đạt kết quả tốt nhất.