Biến đổi khí hậu

Lạng Sơn: Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Hoàng Nghĩa 24/07/2024 - 16:35

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có Quyết định số 1274/QĐ- UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở sườn đồi tại Km27+400 bên trái đường ĐT.237 thôn Còn Chè, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình.

Theo đó, tại sườn đồi bên trái tuyến đường ĐT.237, thuộc thôn Còn Chè, xã Tam Gia (Lộc Bình, Lạng Sơn) xuất hiện các vết nứt tại sườn đồi (rất dốc), hình thành cung trượt đất, phạm vi cung trượt dài khoảng 120m song song với đường giao thông, chiều dài các vết nứt không đồng đều, không thành dải, mà chia thành 3 cấp, tổng chiều dài các vết nứt khoảng 500m.

Trước đó, từ ngày 8/6 - 9/6/2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Do ảnh hưởng của mưa lớn đã xảy ra hiện tượng có nguy cơ sạt lở đất tại sườn đồi (Km27+400 bên trái tuyến đường ĐT.237) thôn Còn Chè, xã Tam Gia. Tại đây xuất hiện các vết nứt tại sườn đồi (rất dốc), hình thành cung trượt đất, phạm vi cung trượt dài khoảng 120m song song với đường giao thông, chiều dài các vết nứt không đồng đều, không thành dải, mà chia thành 3 cấp, có đoạn dài 15m, 20m, 50m ... (tổng chiều dài các vết nứt khoảng 500m).

Vết nứt rộng từ 10-30cm, tụt xuống dưới từ 0,2-1,0m, khoảng cách vết nứt đến mép đường từ 20-50m, chiều cao tại các vết nứt so với mặt đường giao thông phía dưới khoảng 15-30m. Phía dưới sườn đồi (cung trượt) có 6 hộ dân với 28 nhân khẩu và 2 hộ bên đường ĐT.237.

img_20240724_154804.jpg
Khu vực xuất hiện các vết nứt tại Km27+400 bên trái tuyến đường ĐT.237, thuộc thôn Còn Chè, xã Tam Gia.

Về biện pháp khẩn cấp áp dụng để ứng phó nhằm ngăn chặn, hạn chế sự cố gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các hoạt động phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai sạt lở sườn đồi tại Km27+400 bên trái đường ĐT.237 thôn Còn Chè, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình.

Trong đó, xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai cụ thể; chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó thiên tai; tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai; tổ chức dự báo, cảnh báo thiên tai.

Chỉ đạo UBND xã Tam Gia phối hợp với các cơ quan liên quan huy động nhân lực tại chỗ thực hiện ngay việc dọn vệ sinh, phát quang, làm rãnh thoát nước tại đường dân sinh gần đỉnh đồi để nước mưa thoát nước về hai phía không chảy vào phạm vi cung trượt và các khe nứt; phát cây, vệ sinh sạch sẽ khu vực bể chứa nước sinh hoạt trên đồi, khắc phục hiện tượng rò nước hoặc có biện pháp dẫn nước thừa ra xa khu vực bể chứa để hạn chế ảnh hưởng trong phạm vi cung trượt; không đào xúc đất chân đồi; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở đất, chủ động triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, có phương án di dời, hỗ trợ sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết.

Văn bản cũng yêu cầu chính quyền nghiên cứu lập dự án di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao về rủi ro thiên tai tại khu vực trên, báo cáo đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét theo quy định.

img_20240724_154706.jpg
Huyện Lộc Bình đã chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương xử lý các vết nứt lớn, rải màng chống thấm HDPE phủ qua các vết nứt.

UBND huyện Lộc Bình theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai; triển khai rà soát, xác định cụ thể các hạng mục, vị trí cụ thể về sạt lở sườn đồi tại Km27+400 đường ĐT.237 trình UBND tỉnh ban hành Lệnh khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Tuấn Đông - Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết, huyện đã triển khai đầy đủ các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người dân khu vực nguy cơ cao sạt lở cách xử lý, ứng phó khi thiên tai xảy ra. Huy động ô tô, máy xúc, nhu yếu phẩm, thành lập đội xung kích và chuẩn bị đủ số thuốc, trang thiết bị y tế, phương tiện cấp cứu.

Chỉ đạo UBND xã Tam Gia, cập nhật thường xuyên thông tin thời tiết, nhất là cập nhật tình hình thông tin hàng ngày qua điện thoại, zalo, phương tiện thông tin đại chúng... để tiếp nhận thông tin 2 chiều và hướng dẫn người dân xử lý các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư và lực lượng xung kích tại cơ sở sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán người dân.

img_20240724_154656.jpg
Người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đã di chuyển ra khỏi nhà đến nơi an toàn từ ngày 22/7.

“Ngay trong ngày 22/7 chúng tôi đã hỗ trợ di dời, sơ tán người và tài sản 8 hộ gia đình đến nhà người thân tại các vị trí an toàn. Bên cạnh đó, đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình. Bố trí lực lượng trực gác tại vị trí an toàn gần với khu vực khả năng cao sạt lở để nắm tình hình, diễn biến sạt lở. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương xử lý các vết nứt lớn, rải màng chống thấm HDPE phủ qua các vết nứt và ghim đầu màng chống thấm xuống đất để nước mưa được chảy trên màng chống thấm, hạn chế tối đa nước chảy vào vết nứt gây phát triển vết nứt. CA huyện, BCH Quân sự huyện chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống thiên tai xảy ra.” – Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO