(TN&MT) Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá nguyên nhân ngập lụt tại thành phố. Đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/7/2024.
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 2, chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở thời gian tới, ngày 25/7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ký ban hành Công văn 3240/UBND-KT.
Theo đó, chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả sau mưa lũ theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Dừng ngay các hoạt động không cần thiết, phân công lãnh đạo Sở, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực theo dõi, sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai 24/24 trong những ngày bão lũ cao điểm, theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá nguyên nhân ngập lụt tại thành phố; đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra. Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/7/2024.
Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ Đô thị Sơn La rà soát, kiểm tra, cắt tỉa cây xanh tại các tuyến hành lang giao thông; khuôn viên cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư, nơi công cộng trên địa bàn, kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế tình trạng cây đổ, gãy gây mất an toàn, nguy hiểm.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai, điều kiện cụ thể của địa phương, đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo “phương châm bốn tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.
Trước đó, từ ngày 22/7 đến ngày 25/7, trên địa bàn tỉnh Sơn La có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to gây thiệt hại nghiêm trọng về người, hoa màu, nhà cửa và ngập úng nhiều điểm trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mưa lũ đã làm 7 người chết do sạt lở vùi lấp và lũ cuốn trôi; 3 người mất tích; 5 người bị thương.
Gần 1.200 nhà bị thiệt hại, trong đó, 53 nhà di dời khẩn cấp, 214 nhà thiệt hại nặng từ 30-50%; 23 nhà thiệt hại hoàn toàn trên 70%...; 6 điểm trường TH, mầm non bị ngập.
Về nông nghiệp, mưa lũ làm ngập, cuốn trôi gần 1.900ha lúa mùa; hơn 220ha hoa màu, rau màu; gần 400ha cây trồng hàng năm, lâu năm… Gây sạt lở, ách tắc nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; đổ 1 cột viễn thông; 6 công trình thủy lợi, 1 nhà văn hóa bị ảnh hưởng; trôi 4 cầu treo....
Hiện số liệu thiệt hại vẫn đang được các địa phương tiếp tục thống kê, cập nhật.
Trong đó, tại TP Sơn La, mưa lũ kéo về trong đêm làm 538 nhà ở bị sạt lở, ngập úng. Tổng thiệt hại ước tính gần 73 tỷ đồng. Nhiều tuyến đường chính trên địa bàn thành phố từ đêm 23/7 đến hết ngày 25/7 liên tiếp bị ngập úng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tại bản Hua Pư và Pá Hốc, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, mưa lũ đã làm 6 người chết do sạt lở đất; 20 nhà bị thiệt hại; 3 cầu treo bị cuốn trôi, gây chia cắt nhiều bản với trung tâm xã.
22h ngày 24/7, các lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được hiện trường khu vực thiên tai. Song, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp.