Ngăn chặn nạn phá rừng để làm chậm biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Mỗi năm, nạn phá rừng khiến thế giới mất 10 triệu ha rừng, tương đương diện tích của Bồ Đào Nha. Sự mất mát của hệ sinh thái này đang tàn phá các loài động vật hoang dã và hàng tỷ người sống dựa vào rừng để lấy thức ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm khác.
Nhưng nạn phá rừng còn có một mối nguy hiểm khác thường bị bỏ qua, đó là gây ra biến đổi khí hậu. Chỉ riêng việc chặt phá rừng ở các vùng nhiệt đới đã thải ra hơn 5,6 tỷ tấn khí nhà kính làm nóng lên hành tinh mỗi năm, gấp hơn 4 lần tổng lượng khí thải hàng không và vận tải biển cộng lại.
Khi các quốc gia chuẩn bị cập nhật các cam kết quốc gia về khí hậu vào năm 2025, một phần quan trọng của Thỏa thuận Paris, các chuyên gia kêu gọi những nước này đưa ra các mục tiêu cụ thể để chấm dứt nạn phá rừng và khôi phục rừng. Theo các chuyên gia, nếu không có những mục tiêu đó, các quốc gia sẽ khó có thể hạn chế được cuộc khủng hoảng khí hậu đang phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ và tạo ra vòng xoáy thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới.
Bà Mirey Atallah, người đứng đầu chi nhánh Thích ứng và Phục hồi Biến đổi Khí hậu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết: “Rừng không chỉ hỗ trợ đa dạng sinh học phong phú, có ý nghĩa đối với xã hội và nền kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định khí hậu của chúng ta. Nếu chúng ta muốn làm chậm biến đổi khí hậu, chúng ta phải ngăn chặn nạn phá rừng”.
Phá rừng gây khủng hoảng khí hậu như thế nào?
Cây cối là một trong những kho chứa carbon quan trọng nhất của hành tinh, hấp thụ nguyên tố này từ không khí thông qua quá trình quang hợp và lưu trữ trong lá, rễ và thân của chúng. Nhưng khi cây mục nát hoặc bị đốt cháy, chúng sẽ giải phóng lượng carbon dự trữ vào khí quyển dưới dạng carbon dioxide. Đây là loại khí nhà kính giữ nhiệt gần bề mặt Trái đất, làm tăng nhiệt độ và thúc đẩy biến đổi khí hậu.
Đồng thời, mất đi cây cối đồng nghĩa với việc rừng không còn khả năng hấp thụ nhiều carbon từ không khí như trước, một tác động kép đối với khí hậu.
Tại sao giải quyết nạn phá rừng và biến đổi khí hậu lại quan trọng?
Các hoạt động của con người, như đốt nhiên liệu hóa thạch, đang đẩy lượng phát thải khí nhà kính lên mức kỷ lục, gây ra biến đổi khí hậu, bao gồm lũ lụt, hạn hán và cháy rừng. Những thảm họa này ảnh hưởng đến hàng triệu người và gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.
Đáng lo ngại, những thảm họa này đang ngày càng tồi tệ hơn. Dữ liệu của UNEP cho thấy dựa trên các cam kết quốc gia hiện tại, hành tinh có thể nóng lên từ 2,5 độ C đến 2,9 độ C trong thế kỷ này, cao hơn nhiều so với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và đủ để gây ra hỗn loạn khí hậu trên diện rộng. Do đó, cắt giảm khí thải nhanh chóng bằng cách bảo vệ và phục hồi rừng được cho là rất quan trọng.
Bảo vệ rừng có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?
Để duy trì tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C, mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris, thế giới phải cắt giảm 22 gigaton lượng khí thải nhà kính hàng năm vào năm 2030. Theo Chương trình UN-REDD, sáng kiến của các tổ chức quốc tế UNEP, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhằm giảm nồng độ khí thải nhà kính có trong khí quyển thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, việc ngăn chặn nạn phá rừng có thể giảm 4 gigaton lượng khí thải mỗi năm.
Bảo vệ và phục hồi rừng là một trong nhiều giải pháp dựa vào thiên nhiên mà các quốc gia có thể sử dụng để hạn chế phát thải khí nhà kính. Một báo cáo của UNEP cho thấy những chiến lược này có thể giúp cắt giảm lượng khí thải từ 10-18 gigaton mỗi năm vào năm 2050.
Liệu thế giới có đạt được đủ tiến bộ trong nỗ lực chấm dứt nạn phá rừng?
Đối với câu hỏi này, UNEP cho rằng câu trả lời là không. Hầu như hoàn toàn được thúc đẩy bởi việc mở rộng nông nghiệp, nạn phá rừng vẫn tiếp tục với tốc độ chóng mặt. FAO ước tính nạn phá rừng đã cướp đi khoảng 420 triệu ha trên thế giới kể từ năm 1990. Từ năm 2015-2020, tốc độ phá rừng là 10 triệu ha mỗi năm, tương đương với diện tích của Bồ Đào Nha.
Tất cả 195 bên ký kết hiệp ước khí hậu Thỏa thuận Paris được thông qua năm 2015 phải nộp Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Các kế hoạch về khí hậu này nêu rõ cách các quốc gia sẽ giảm lượng khí thải và có thể bao gồm từ đầu tư vào năng lượng tái tạo đến thúc đẩy các phương pháp canh tác bền vững hơn.
Một báo cáo gần đây của UN-REDD cho thấy, bất chấp khả năng chống biến đổi khí hậu của rừng, chỉ 40% các quốc gia có nguy cơ phá rừng cao nhất có biện pháp bảo vệ rừng trong NDC.
Với vòng cam kết mới sẽ đến hạn vào năm 2025, bà Atallah cho biết đây là “cơ hội vàng” để các nhà hoạch định chính sách kết hợp các mục tiêu cụ thể để bảo vệ và phục hồi rừng.
Liệu các quốc gia có thể cải thiện kế hoạch ngăn chặn nạn phá rừng?
Theo bà Atallah, để cải thiện kế hoạch ngăn chặn nạn phá rừng của các quốc gia, bước đầu tiên là xác định rõ các mục tiêu để ngăn chặn nạn phá rừng và khôi phục rừng trong phạm vi NDC. Các nguyên nhân của nạn phá rừng thường phức tạp, bao gồm khai thác tài nguyên và mở rộng nông nghiệp không được kiểm soát, sẽ đòi hỏi phải có các cuộc đối thoại và trao đổi giữa các quốc gia.
Báo cáo của UN-REDD cho thấy, các kế hoạch khí hậu quốc gia cũng nên xem xét các quan điểm khác nhau của người dân bản địa, cộng đồng nông thôn, phụ nữ và thanh niên. Các nước đang phát triển, nơi xảy ra phần lớn nạn phá rừng, cũng cần hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện cam kết bảo vệ rừng.
UNEP đang làm việc với các quốc gia để đảm bảo rằng các khoản chi trả cho rừng, từ cộng đồng phát triển hoặc từ thị trường carbon, phản ánh giá trị thực sự của hệ sinh thái rừng và cung cấp dòng vốn có ý nghĩa cho các nước đang phát triển. Theo báo cáo do UN-REDD công bố, giá carbon rừng nên được thúc đẩy để tăng lên mức 30-50 USD/tấn carbon dioxide tương đương để có tác động. Hiện tại, chúng có giá bằng hoặc dưới 10 USD/tấn carbon dioxide tương đương, thấp hơn rất nhiều so với chi phí để duy trì rừng.
Chúng ta sắp hết thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Nếu các quốc gia không đạt được tiến bộ thực sự trong việc bảo vệ rừng và cắt giảm khí thải với đợt NDC này thì có thể đã quá muộn để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Bà Mirey Atallah, người đứng đầu chi nhánh Thích ứng và Phục hồi Biến đổi Khí hậu của UNEP