Giảm phát thải theo Nghị định thư Kyoto: Bước tiến lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Các nước phát triển tham gia giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto từ năm 2013 đến năm 2020 đã đạt được mức giảm phát thải trung bình hàng năm là 22% so với mức của năm 1990, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Kết quả này được thể hiện rõ khi quá trình báo cáo và đánh giá giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto đã kết thúc thành công vào tháng trước.
Mở đường cho các quốc gia tăng cường hành động vì khí hậu
Kết quả của giai đoạn này làm rõ nỗ lực của các bên nhằm đảo ngược xu hướng gia tăng lượng khí thải, một nỗ lực đã bắt đầu gần 35 năm trước, với việc Liên minh Châu Âu giảm 23% lượng khí thải trung bình từ năm 2013 đến năm 2020 so với năm 1990. Đáng chú ý, 10 quốc gia, bao gồm 9 quốc gia thành viên EU và Vương quốc Anh, đã đạt mức giảm trên 30% so với năm 1990. Tuy nhiên, 7 quốc gia có lượng phát thải trung bình hàng năm tăng lên.
Việc giảm lượng khí thải của hầu hết các nước phát triển theo Nghị định thư Kyoto là dấu hiệu cho thấy các quốc gia có thể thực hiện các bước cần thiết để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng hơn được nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận này nhằm mục đích hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và lý tưởng nhất là đạt tới mức 1,5 độ C.
Ông Don Cooper, Giám đốc Ban Minh bạch về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc khẳng định: “Việc hoàn thành giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto sẽ mở đường cho các quốc gia tăng cường hành động vì khí hậu. Động lực này rất quan trọng khi chúng ta cố gắng giảm đáng kể rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu”.
Được thông qua vào ngày 11/12/1997 tại Hội nghị lần thứ ba Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP3) ở Kyoto (Nhật Bản), Nghị định thư Kyoto được coi như một bước ngoặt mang tính lịch sử khi là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người và cũng là thành quả đầu tiên kể từ khi các nước ký Công ước khung của Liên hợp quốc năm 1992. Mặc dù đã hết hiệu lực vào năm 2020 và được thay thế bởi Hiệp định Paris (2015), nhưng văn kiện này vẫn đóng một vai trò lịch sử quan trọng, như một lời nhắc nhở về những điều thế giới đã làm được và chưa làm được trong tiến trình đấu tranh chung nhằm đảo ngược tình trạng nóng lên toàn cầu.
Đảm bảo báo cáo minh bạch, chính xác và nhất quán
Quá trình xem xét của các nhóm chuyên gia đánh giá là một đặc điểm quan trọng của Nghị định thư Kyoto, đảm bảo tính minh bạch, chính xác, nhất quán và khả năng so sánh của dữ liệu về phát thải và các xu hướng chung. Các quy trình tương tự được thiết lập theo Thỏa thuận Paris.
Việc xem xét các báo cáo do các Bên đệ trình theo Nghị định thư Kyoto bao gồm phát thải khí nhà kính (GHG) từ các lĩnh vực như: sản xuất năng lượng, quy trình công nghiệp, nông nghiệp và rác thải, cũng như lượng phát thải hoặc loại bỏ ròng đạt được từ các hoạt động sử dụng đất như trồng rừng và tái trồng rừng.
Việc xem xét kiểm kê GHG là một trong những trụ cột của hệ thống đo lường, báo cáo và xác minh được thiết lập trước Thỏa thuận Paris. Hơn 500 chuyên gia từ 100 quốc gia đang phát triển và phát triển đã tham gia rà soát việc kiểm kê GHG trong 2 thập kỷ qua. Kinh nghiệm này đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng các hệ thống tiếp theo theo Thỏa thuận Paris nhằm đảm bảo hệ thống báo cáo khí hậu nghiêm ngặt và minh bạch.
Tháng 11/2022 tại Sharm El Sheikh, Ai Cập, Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP) đã quyết định rằng quy trình đánh giá của chuyên gia theo Điều 8 của Nghị định thư Kyoto cho năm cuối cùng của giai đoạn cam kết thứ hai sẽ được hoàn thành trước ngày 1/6/2023. Đó cũng sẽ là ngày bắt đầu giai đoạn điều chỉnh. CMP cũng quyết định rằng nếu quá trình xem xét của chuyên gia không được hoàn thành trước ngày đó thì quy trình này sẽ tiếp tục và ngày hoàn thành sẽ là ngày công bố báo cáo xem xét kiểm kê cuối cùng.