Tích tụ ruộng đất vựa lúa “chín rồng”

Bài và ảnh: Lê Hùng| 13/03/2020 17:42

(TN&MT) - Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất tạo điều kiện để phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Tập trung tích tụ đất đai

Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, HĐND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Với Nghị quyết này, đại diện Sở TN&MT Sóc Trăng cho rằng, thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện chính sách tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

anh-1.-chuyen-doi-mo-hinh.jpg
Nông dân các địa phươngvùng ĐBSCL đã chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp mới, phù hợp với điều kiện thực tề, hiệu quả hơn

Còn tại TP. Cần Thơ, đến cuối năm 2019, thông qua việc liên kết cánh đồng lớn, trang trại, hợp tác xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đã tích tụ, tập trung được khoảng 14.000 ha đất. Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp đã từng bước nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Đối với tỉnh Hậu Giang, để khắc phục tình trạng sử dụng đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tập trung đất đai thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, chăn nuôi quy mô lớn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có 5 cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích gần 2.000 ha; 138 hợp tác xã hoạt động trong sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng gần 6.500 ha và 25 trang trại chăn nuôi gia cầm, thủy sản là hơn 33ha.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho rằng, các hình thức tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh rất đa dạng như: dồn điền, đổi thửa, thuê đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Qua đó, tỉnh Hậu Giang đã hình thành được nhiều vùng sản suất nông nghiệp lớn, ứng dụng công nghệ cao, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

anh-2.-co-gioi-hoa-san-xuat.jpg
Cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch thông qua hình thức tích tụ đất đai thành những cánh đồng lớn ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL

Cần có cơ chế phù hợp

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, để thu hút cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển nông nghiệp theo mô hình tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Sở TN&MT Hậu Giang sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai và có cơ chế khuyến khích người dân liên kết, góp vốn với các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp để sản xuất dài hạn, bền vững.
Cùng với đó, tăng cường mối liên kết sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng khung chính sách chung về tích tụ ruộng đất phù hợp với từng khu vực, địa phương, trong từng thời kỳ, bảo đảm lợi ích giữa hộ nông dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, Sở TN&MT TP. Cần Thơ sẽ đề xuất UBND TP. Cẩn Thơ kiến các Bộ, ngành Trung ương quy định cụ thể chế độ quản lý, sử dụng đất, trình tự, thủ tục, trách nhiệm thực hiện của từng đối tượng có liên quan trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Đồng thời, tổ chức tập huấn công tác tích tụ, tập trung đất đai; bổ sung cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi trong việc tập trung, tích tụ đất đai nhất là về hạn điền và thời gian thuê đất để khuyến khích phát triển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thử, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết, do nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân ở các huyện Trần Đề, Kế Sách đã liên kết được hàng ngàn ha đất để cùng nhau phát triển nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn. Qua khảo sát thực tế cho thấy, việc tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bước đầu đã mang lại hiệu quả khi các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được áp dụng một cách đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích tụ ruộng đất vựa lúa “chín rồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO