Chuyện về những lá đơn xin thoát nghèo
(TN&MT) - “Xin thoát nghèo không phải vì mình đã hết khó khăn, mà mình có sức lao động, còn cơ hội để vươn lên thì phải nắm bắt, dành sự trợ giúp cho những hộ còn khó khăn hơn mình” – Đó là những lời tâm sự tự đáy lòng đầy chân thành, mộc mạc của những hộ dân Lạng Sơn vừa làm đơn xin thoát nghèo. Họ đã và đang trở thành những tấm gương sáng cho ý chí tự lực, tự cường, cho sự nỗ lực vươn lên để làm chủ cuộc sống của mình và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương...
Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm về huyện vùng cao Đình Lập với mong muốn tìm hiểu về cách địa phương này đang thực hiện các chủ trương, chính sách để giảm nghèo. Theo lời giới thiệu của lãnh đạo huyện, chúng tôi đến xã Châu Sơn - nơi có 10 hộ dân vừa xin thoát nghèo vào năm 2023.
Đó là minh chứng sống động nhất để khẳng định rằng, những chủ trương, chính sách về giảm nghèo đã thật sự được triển khai hiệu quả, và đến được với từng người dân, từng xã, bản. Sau khi vượt qua những con dốc nhỏ quanh co, hiểm trở, đón chúng tôi ở thôn Ke Pặn Ngọn – một trong những thôn xa nhất của Châu Sơn là anh Dương Kim Thiền, hộ vừa tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo năm vừa qua.
Anh chia sẻ, trước đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn, vất vả quanh năm mà ăn không đủ no, nhà có ít đất rừng nhưng lại thiếu vốn để sản xuất. Sau này, được cán bộ xã hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn để trồng rừng, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để chăm sóc và mở rộng diện tích rừng thông lên 4 ha.
“Được trời thương, cây thông sinh trưởng, phát triển tốt. Từ năm 2020 đến nay, rừng thông đã cho thu hoạch 3-4 tấn nhựa/năm. Nợ cũ đã trả hết, tôi cũng tiết kiệm được một khoản để xây nhà mới. Cuộc sống gia đình đã cải thiện hơn trước rất nhiều nên tôi đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo” – anh Thiền khoe.
Cùng với anh Thiền, năm vừa qua, Châu Sơn còn 9 hộ dân khác đã mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo. Ông Hoàng Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Châu Sơn chia sẻ: xã luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cùng với những chính sách hỗ trợ, chúng tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để mỗi người dân có ý chí, động lực chủ động vươn lên thoát nghèo. Có như thế, công tác giảm nghèo mới thật sự bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo.
Bởi thế, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động bà con khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng của địa phương để phát triển kinh tế. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ kịp thời về cây giống, con giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất, xây dựng các mô hình trồng rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả…
Rieng năm 2023, toàn huyện Đình Lập có 15 hộ viết đơn xin thoát nghèo, trong đó, 10 hộ thuộc xã Châu Sơn và 5 hộ thuộc xã Thái Bình. Huyện đã tiến hành rà soát, thẩm định để đánh giá, phê duyệt, công nhận các hộ thoát nghèo. Tất cả các lá đơn xin thoát nghèo đều đã được chấp thuận. Hết năm 2023, toàn huyện chỉ còn 267 hộ nghèo, giảm 171 hộ so với năm 2022, vượt 55,4% kế hoạch đề ra.
Rời Đình Lập, chúng tôi tiếp tục đến với Ái Quốc, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình. Con đường dẫn vào Ái Quốc nhiều đoạn dốc cua khúc khuỷu, thách thức những tay lái không quen đường. Phải mất khoảng 1 tiếng đồng hồ từ trung tâm huyện, chúng tôi mới đến được UBND xã Ái Quốc.
Được biết, Ái Quốc hiện có 9 thôn, trên 500 hộ dân, trong đó, gần 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao, bà con chủ yếu sinh sống nhờ sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Thế nhưng, từ những năm 2019, những lá đơn xin thoát nghèo đầu tiên của bà con nơi đây đã được gửi đến cấp ủy, chính quyền địa phương.
Dù là xã khó khăn, song Ái Quốc có gần 10.000ha đất tự nhiên, trong đó, trên 8.000ha đất lâm nghiệp, hơn 300ha đất nông nghiệp. Đây là lợi thế chính để xã phát triển kinh tế đồi rừng với những mô hình sản xuất như trồng thông, bạch đàn, keo, cây ăn quả, chăn nuôi…
Anh Hoàng Thắng, thôn Quang Khao là một trong những hộ đầu tiên ở Ái Quốc chủ động viết đơn xin thoát nghèo. Dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng thông của gia đình, anh Thắng không giấu được niềm phấn khởi: Trước năm 2010, gia đình tôi có 5 nhân khẩu, cuộc sống khó khăn vô cùng. Được cán bộ xã, bản tuyên truyền về trồng rừng có hiệu quả kinh tế cao nhưng phải kiên trì, tận tâm, tôi cùng gia đình đã bàn bạc, vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng diện tích trồng rừng.
Trong thời gian đó, mỗi khi có thông tin về các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, các chuyến đi học tập kinh nghiệm của huyện, xã, anh Thắng đều tích cực đăng ký tham gia. Đêm về, anh lại chong đèn tham khảo kiến thức từ sách vở, ti vi, mạng Internet… Cũng có những lúc mệt mỏi, hoang mang, nhưng rồi cả gia đình lại động viên nhau, phải cùng cố gắng vì cuộc sống tốt đẹp sau này, để con cái có cuộc sống đầy đủ, đỡ vất vả hơn.
Sự chăm chỉ, cần cù ấy đã được đền đáp. Giờ đây, gia đình anh Thắng đã có 10ha thông, cho thu hoạch từ 5-6 tấn nhựa thông/năm. Đời sống có nhiều cải thiện, lại nghĩ rằng, mình có sức khỏe, phải cố gắng lao động hơn nữa nên năm 2019, gia đình anh Thắng đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo.
Nhờ sự chung sức, đồng lòng, Ái Quốc đã có hơn 10 hộ làm đơn thoát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trên địa bàn xã đã hình thành một số vùng chuyên canh với hơn 7.000ha rừng thông, 14ha trồng trà hoa vàng… Góp phần tạo việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho bà con từ 80 – 300 triệu đồng/hộ/năm. Hết năm 2023, Ái Quốc chỉ còn 76 hộ nghèo, chiếm 14,9%, giảm tới 8,76% so với năm 2022.
Những hộ gia đình như anh Thiền, anh Thắng… và còn rất nhiều những hộ gia đình khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thật sự trở thành những tấm gương sáng của cộng đồng. Mỗi lá đơn thoát nghèo dù có nét chữ, cách trình bày khác nhau, nhiều lá còn sai chính tả, nét chữ không đều, nhưng đều có một điểm chung đó là nguyện vọng, mong muốn được ra khỏi hộ nghèo của bà con. Với một lý do rất giản dị: Dành sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ còn nghèo hơn, khó khăn hơn mình. Họ đã thật sự nhận thức được trách nhiệm vì cộng đồng của mình để nhường những hỗ trợ, chính sách ưu đãi tới những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Và những lá đơn thoát nghèo ấy, đã thật sự trở thành một thông điệp để lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chịu thương, chịu khó vươn lên phát triển kinh tế của bà con, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tạo nên một động lực mới trong hành trình thoát nghèo của đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn...