Xã hội

Hải Dương: Trồng lúa chất lượng cao giúp nông dân làm giàu

Kiên Cường 30/09/2024 - 22:17

Trong khi nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương người dân không tha thiết với trồng lúa vì thu nhập thấp, lại vất vả đầu tư nhiều công sức chăm sóc… nhưng tại xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, nhờ việc dồn điền đổi thửa và gieo trồng giống lúa chất lượng cao, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, từ đồng ruộng quê hương.

Ông Đào Xuân Điển, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Giang (Hải Dương) giới thiệu với chúng tôi về xã Long Xuyên, nơi có mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng các loại lúa cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Điển, đây là xã điển hình thực hiện về sản xuất nông nghiệp trồng lúa và đang được Hội Nông dân xã triển khai đăng ký sản phẩm đạt chất lượng Ocop và nhân rộng mô hình.

img_4551.jpg
Trồng giống lúa chất lượng cao, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn giúp nhiều hộ dân ở xã Long Xuyên, huyện Bình Giang (Hải Dương) vươn lên làm giàu, từ đồng ruộng quê hương.

Đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã Long Xuyên, Chủ tịch Hội Nông dân, ông Phạm Văn Hiệu vui mừng cho biết: Ở đâu người dân bỏ ruộng, cho ruộng không cấy, chứ như xã tôi thì ruộng đất vẫn đúng nghĩa “tấc đất, tấc vàng” muốn thuê ruộng để làm giờ cũng không có. Theo anh Phạm Văn Hiệu, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Xuyên, ruộng ở xã được người dân rất coi trọng, bởi việc dồn điền đổi thửa, một số hộ xây dựng cánh đồng mẫu lớn và đưa giống lúa: Bắc thơm, Nếp 415 là giống lúa năng suất, chất lượng cao luôn giữ giá và được người tiêu dùng ưa chuộng, lên đã kích cầu được những hộ gia đình tập trung vào sản xuất, đầu tư bài bản cho nông nghiệp.

Theo ông Hiệu, vụ Đông Xuân 2023-2024, xã có 260 ha cấy lúa, trong đó 60% nếp 415, với hàng trăm hộ gia đình gieo trồng với quy mô từ 5 sào trở lên, các hộ đều thu lãi vài chục đến hàng trăm triệu đồng tiền lãi một vụ. Đây là giống lúa có nhiều ưu điểm như ít sâu bệnh, năng suất cao, giá bán ổn định. Hiện nay, Hợp tác xã Long Xuyên đã xây dựng 5 vùng lúa chất lượng cao với quy mô 5 ha/vùng. Trong đó, có 4 vùng cấy lúa nếp 415. Hợp tác xã đã tập trung chỉ đạo việc quy vùng sản xuất lúa hàng hóa, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp canh tác vào sản xuất. Thực hiện dồn điền đổi thửa năm 2014. Các hộ gia đình đều không có ruộng riêng lẻ, đều từ 5 sào đến hàng mẫu, việc dồn điền đổi thửa đã giảm được diện tích bờ vùng, bờ thửa thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch. Hiện có hộ gia đình thuê lại diện tích ruộng của người dân từ 5 – 10 ha tạo thành cánh đồng mẫu lớn đầu tư máy móc, công nghệ, hàng năm đều cho thu nhập cao.

img_4548.jpg
Cánh đồng Lúa nếp và Bắc thơm của người dân thôn Cậy, xã Long Xuyên

Ông Hiệu dẫn chúng tôi thăm quan cánh đồng Lúa nếp và Bắc thơm của người dân thôn Cậy, Bá Hợp. Bên cánh đồng lúa xanh mướt đang hứa hẹn mùa bội thu, ông Hiệu cho hay: Để nông nghiệp của xã phát triển là đóng góp rất nhiều của Hợp tác xã Nông nghiệp Long Xuyên, nếu thời điểm hiện tại trên thửa ruộng nếu không quây vải nhựa thì chuột đến cắn phá, nhưng Hợp tác xã tổ chức các tổ diệt chuột hiệu quả, nên người dân không phải dùng biện pháp ngăn chuột. Hợp tác xã đứng ra cam kết, nếu để chuột phá hoại sẽ đền bù cho người dân. Không những vậy, Hợp tác xã thực hiện các khâu rất hiệu quả, như: Thủy lợi, thủy nông; dịch vụ phân bón, thuốc trừ sâu và các dịch vụ thỏa thuận khác…

Chúng tôi đến thăm hộ nông dân Tăng Đức Thi, thôn Bá Thủy hiện gia đình anh thuê 10 ha ruộng của các hộ dân trong thôn chuyên cấy lúa nếp 415. Anh Thi, chia sẻ: Năm 2014, vợ chồng anh từ Đăk Lắk trở về quê, khi đó xã đang thực hiện việc dồn điền, đổi thửa để tạo điều kiện thuận lợi sản xuất cho người dân. Hai vợ chồng bàn nhau thuê lại một ruộng của một số hộ gia đình để thực hiện mô hình trồng lúa chuyên nghiệp. Ban đầu, gia đình anh rất vất vả vào thời vụ phải thuê nhiều người làm công đoạn gieo và phun thuốc trừ sâu, nhưng nhờ giúp sức và tư vấn của Hợp tác xã nông nghiệp, năm 2020 gia đình anh đầu tư mua các thiết bị máy móc phục vụ cho các công đoạn. Máy móc không những phục vụ cho nông nghiệp của gia đình, anh Thi còn phục vụ cho bà con trong xã và các xã lân cận.

Với 10 ha lúa nếp 415, mỗi vụ gia đình anh thu hoạch 60 tấn thóc, trừ các khoản chi phí lãi được 150 – 200 triệu đồng. Hàng năm, các thương lái đều đến thu mua lúa tươi ngay tại đầu bờ, bán thóc nếp 415 tại ruộng từ 8.800 - 9.000 đồng/kg, có vụ lên đến 9.500 đồng/kg. Mức giá này cao hơn từ 500 - 1.800 đồng/kg so với các giống lúa khác trên địa bàn huyện. Không chỉ có dịch vụ thu mua thóc tươi cho nông dân tại ruộng, nhiều hộ tại xã đã đầu tư xây dựng lò sấy lúa với quy mô từ 15-30 tấn/lò.

img_4546.jpg
Hợp tác xã tổ chức các tổ diệt chuột hiệu quả, nên người dân không phải dùng biện pháp ngăn chuột.trên những cánh đồng mẫu lớn

Thị trường tiêu thụ lúa gạo tại Bình Giang thuận lợi do có nhiều lò sấy với quy mô lớn, mạng lưới xay xát gạo phát triển mạnh tại nhiều xã, thị trấn đã tạo điều kiện thúc đẩy quá trình thu mua thóc cho nông dân. Việc xây dựng các mô hình sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, có bao tiêu sản phẩm cho nông dân đã giúp nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích gieo trồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Trồng lúa chất lượng cao giúp nông dân làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO