Xã hội

Mô hình sinh kế - Điểm tựa cho phụ nữ thoát nghèo

Minh Khang 30/09/2024 - 22:18

(TN&MT) - Nhằm góp phần giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho chị em. Nhờ đó, nhiều hội viên, phụ nữ trên khắp cả nước có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn phát triển sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.

Sinh kế lâu bền

Việc hỗ trợ trao “sinh kế” là một trong những hoạt động thiết thực được Hội LHPN Việt Nam phát động tới các cấp Hội Phụ nữ nhằm hướng về các gia đình hội viên nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó trực tiếp hỗ trợ, giúp hội viên, phụ nữ có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đặc biệt là đối với hội viên phụ nữ làm chủ hộ nghèo.

Điển hình tại tỉnh Hưng Yên, mô hình “Vườn cây sinh kế, khởi nghiệp” được triển khai xuất phát từ tình hình thực tế và nhu cầu của hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn mong muốn có điều kiện về đất canh tác, nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

mo-hinh-vuon-cay-sinh-ke-khoi-nghiep-o-xa-dinh-du.jpg
Mô hình vườn cây sinh kế, khởi nghiệp ở xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo khảo sát tình hình thực tế nhu cầu trồng các loại cây lâu năm của hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh, kết hợp với tham vấn ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực cây giống, trồng cây lâu năm đến gia đình của những hội viên được lựa chọn triển khai mô hình để tư vấn, hướng dẫn thiết kế vườn cây lấy ngắn nuôi dài, xen canh gối vụ, gồm cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây cảnh, rau màu... nhằm mang lại nguồn thu thường xuyên, đảm bảo nguồn lực để chăm sóc các loại cây lâu năm đến thời điểm cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao.

Cụ thể, Hội LHPN tỉnh Hưng Yên đã trao hỗ trợ vốn, cây giống và gắn biển “Vườn cây sinh kế khởi nghiệp” cho 10 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở tích cực thực hiện mô hình, qua đó, đến nay toàn tỉnh đã có trên 30 “Vườn cây sinh kế, khởi nghiệp”. Đây là một mô hình thiết thực, ý nghĩa, mở ra một hướng đi mới cho hội viên phụ nữ nông dân phát triển kinh tế trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình, các gia đình hội viên phụ nữ được lựa chọn cũng cam kết thực hiện mô hình trong thời gian lâu dài.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên cũng chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đánh giá hiệu quả mô hình để tiếp tục nhân rộng, có những hỗ trợ phù hợp trong những năm tới.

73103_hoi_lhpn_huyen_phu_cu_trao_ho_tro_sinh_ke_cho_hoi_vien_phu_nu_co_hoan_canh_kho_khan_trong_huyen_21193907.jpg
Mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ vươn lên thoát nghèo

Không chỉ riêng tại Hưng Yên, phong trào Trao phương tiện sinh kế giúp hội viên nghèo vượt khó” đã được Hội LHPN huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang triển khai tới các cơ sở Hội, tiến hành lựa chọn phụ nữ khó khăn cần giúp đỡ, sau đó, chính các hội viên tại cơ sở thống nhất cách thức gây quỹ, dựa vào nguyện vọng của hội viên để tặng phương tiện sinh kế, bảo đảm phát huy tối đa giá trị.

Để hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội đã thành lập và duy trì nhiều mô hình hiệu quả như: “Ống tiền tiết kiệm”, “Nuôi heo đất hỗ trợ hội viên mua con giống”, “Tiết kiệm từ mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình tặng phương tiện sinh kế’’, mô hình “Hạt gạo nghĩa tình”… Từ các mô hình, hoạt động trên đã thu hút trên 3 nghìn thành viên tham gia, giúp trên 1,2 nghìn gia đình hội viên phụ nữ nghèo vay, tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng không lấy lãi để phát triển kinh tế. Kết quả trong nhiệm kỳ qua, đã có 176 hội viên nghèo được hỗ trợ phương tiện sinh kế như máy may, làm mì, ép nước mía… với tổng trị giá hơn 870 triệu đồng.

Đặc biệt, thông qua Đề án "Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp", Hội LHPN huyện Tân Yên đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao sản xuất trong nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề; hỗ trợ vay vốn không lãi suất, thành lập mô hình kinh tế tập thể; rà soát, nắm bắt nguyện vọng của hội viên, qua đó đã lựa chọn, giúp đỡ hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng khởi sự, khởi nghiệp thành công.

Nhân rộng mô hình

Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực và chủ động trong thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ vật chất, trao phương tiện sinh kế, thành lập các mô hình, câu lạc bộ, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã làm tốt vai trò trong việc góp phần tích cực nâng cao chất lượng đời sống cho hội viên phụ nữ, giúp phụ nữ hoàn cảnh khó khăn có công việc, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, thời gian tới, để đồng hành cùng phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, Hội LHPN Việt Nam tích cực đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (Đề án 939), mở rộng kết nối, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ.

Đồng thời, tuyên truyền vận động phụ nữ phát huy nội lực, hỗ trợ, giúp nhau giảm nghèo bền vững; tiếp tục thực hiện các mô hình tiết kiệm tín dụng, các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của phụ nữ và ưu tiên phát triển của địa phương, tập trung hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.

Hội cũng sẽ phối hợp, mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động, tập trung hỗ trợ các nhóm lao động nữ chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho hội viên phụ nữ, giúp phụ nữ hoàn cảnh khó khăn có công việc, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình sinh kế - Điểm tựa cho phụ nữ thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO