Cao Phong (Hòa Bình): Chú trọng phát triển nông nghiệp giảm nghèo bền vững
Tận dụng lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Cao Phong đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị nông sản, nhờ đó nhiều gia đình nghèo đã thoát nghèo.
Trước đây, bà con huyện Cao Phong chỉ sống dựa vào nương rẫy và canh tác theo hướng truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ thì nay nhận thức về phát triển sản xuất nông nghiệp đã được nâng lên. Thông qua việc tuyên truyền của chính quyền và các cấp ban ngành, đoàn thể, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Từ đó sản lượng nông sản ngày một tăng cao, thu nhập của bà con cũng vì thế mà cải thiện. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Diện tích cây có múi tại huyện Cao Phong thời điểm 2022-2023 đạt khoảng trên 1.740 ha, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 20.000 tấn. Trong đó, riêng diện tích cam khoảng trên 1.300 ha, sản lượng ước đạt 18.000 tấn; diện tích cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có trên 235 ha.
Với diện tích đất nông nghiệp lớn, khí hậu khá thích hợp cho nhiều loại nông sản, huyện Cao Phong đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó phải kể đến việc xây dựng vùng trồng chuyên canh các loại cây ăn trái theo chuẩn nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP. Từ đó, ứng dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, đưa lên sàn giao dịch điện tử. Sản phẩm nông nghiệp của huyện thời gian qua được tiêu thụ thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân, nhất là những hộ nghèo.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong, định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới là sản xuất nông sản chất lượng cao và làm du lịch, dịch vụ. Thực tế, trong thời gian qua, cây cam mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác và được xác định là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Thực hiện chủ trương này, huyện Cao Phong đã quy hoạch vùng trồng cam, đồng thời vận động bà con cải tạo vườn tạp thành khu trồng cam tập trung. Ngành nông nghiệp của huyện liên tục mở các lớp tập huấn, mô hình trình diễn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam cho người dân.
Huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con, giúp người dân yên tâm gắn bó với nông nghiệp. Vừa qua, huyện cũng đã xuất khẩu 7 tấn cam ra thị trường Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, huyện đã nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi đảm bảo an toàn nguồn nước tưới cho vùng tái canh.
Nhờ đó, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đời sống của người nghèo cũng như người dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, nâng cao, tăng thu nhập bình quân đầu người. Theo số liệu thống kê đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 8,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm. Văn hóa, tinh thần người dân ngày càng tiến bộ, an ninh, chính trị được giữ vững ổn định…
Cũng theo Phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong, hiện nay huyện đang thực hiện đề án tái canh cam giai đoạn 2021-2025, một số diện tích cam hết chu kỳ kinh doanh đang phải phá bỏ để cải tạo đất. Do vậy hiện nay trên toàn huyện chỉ còn trên 975 ha cây ăn quả có múi, sản lượng niên vụ 2024 - 2025 ước đạt 17- 18.000 tấn. Trong đó, riêng diện tích cam khoảng trên 700 ha, sản lượng ước đạt 15.000 tấn; diện tích cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có trên 120 ha.
Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi như: Cam, bưởi đã mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người nông dân. Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định từ việc bán cam. Có hộ còn xây được nhà kiên cố, mua được ô tô, mức sống và thu nhập của bà con ngày càng cao.
Như vậy, hiệu quả giảm nghèo từ cây cam ở Cao Phong đã rõ, với những giải pháp đồng bộ, huyện Cao Phong đang tạo đà vươn lên mạnh mẽ trở thành huyện khá của tỉnh. Cụ thể, năm 2022 là 6,69% (giảm 3,44% so với năm 2021), năm 2023 ước giảm xuống còn 4,99% (giảm 1,7% so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn năm 2022 giảm bình quân 9,06%, năm 2023 ước giảm bình quân 6%.