Xã hội

Lạng Sơn: Nỗ lực bứt phá để giảm nghèo bền vững

Hoàng Nghĩa 30/05/2024 - 15:12

(TN&MT) - Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong phát triển KT-XH địa phương, tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các đoàn thể, doanh nghiệp và sự chung tay của toàn thể nhân dân đối với công tác này, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 3%/năm.

Để hiểu rõ hơn thực trạng công tác giảm nghèo tại địa phương này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn.

PV: Xin ông cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững đã được tỉnh Lạng Sơn triển khai như thế nào trong thời gian qua?

Ông Đàm Văn Chính:

Thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết số 47-NQ/TU, ngày 09/9/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngay từ đầu năm, Sở LĐTB&XH đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2024. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2023 đạt 3%.

Quan tâm triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách về giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành và người dân biết để tham gia thực hiện. Chú trọng đến việc giới thiệu, nhân rộng các cá nhân, tập thể, hộ gia đình tiêu biểu có ý chí vươn lên thoát nghèo.

Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, như: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ tiền điện, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cứu đói giáp hạt… góp phần giúp người nghèo ổn định cuộc sống, yên tâm đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, hạn chế tái nghèo.

20240528_161858.jpg
Ông Đàm Văn Chính - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lạng Sơn.

PV: Ông có thể thông tin cụ thể một số kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo mà Lạng Sơn đã đạt được từ năm 2023 đến nay?

Ông Đàm Văn Chính:

Năm 2023, từ các nguồn vốn được hỗ trợ, toàn tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 63 công trình sửa chữa; bảo dưỡng 7 công trình giao thông tại 2 huyện nghèo Văn Quan, Bình Gia. Hoàn thành xây mới, sửa chữa 319 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.

Tổ chức tập huấn trên 4.000 lượt cán bộ, công chức và cộng tác viên làm công tác giảm nghèo thuộc 4 cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn); 11/11 huyện, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, xã và cộng tác viên làm công tác giảm nghèo cấp thôn trên địa bàn cấp huyện.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 155 mô hình đã được cấp huyện triển khai. Ðặc biệt, thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo, năm 2023, hơn 5.600 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hơn 2.700 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn.

Tổ chức 33 cuộc tư vấn, tuyên truyền định hướng nghề, giới thiệu việc làm cho gần 8.000 học sinh, sinh viên; tạo việc làm cho hơn 4.100 lao động; hơn 8.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới, sửa chữa cải tạo từ nguồn vốn tín dụng chính sách… Nhờ đó, năm 2023, Lạng Sơn giảm 5.100 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 6,02%.

PV: Theo ông, quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo, Lạng Sơn đã và đang đối diện những khó khăn, thách thức nào?

Ông Đàm Văn Chính:

Quá trình triển khai các chương trình, dự án về giảm nghèo, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp so với kế hoạch, do vướng mắc về đối tượng thụ hưởng, cơ chế chính sách, quy trình thực hiện. Việc sử dụng nguồn vốn để đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất ở một số nơi còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa phát huy hết hiệu quả.

Công tác tuyên truyền còn chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa linh hoạt trong nội dung tuyên truyền. Bên cạnh đó, khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhận thức của người dân trong việc thay đổi tư duy sản xuất, tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa thoát khỏi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, thuần nông trong phát triển sản xuất.

Người dân chưa thực sự thay đổi về nhận thức (cách nghĩ và cách làm); một bộ phận không nhỏ người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa nỗ lực, chủ động vươn lên thoát nghèo.

screenshot_20240329_053219_facebook.jpg
Hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn để phát triển kinh tế.

PV: Năm 2024, Lạng Sơn đã và đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, thưa ông?

Ông Đàm Văn Chính:

Năm 2024, Lạng Sơn tiếp tục đề ra mục tiêu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm từ 5% trở lên; tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm khoảng 3% so với năm 2023.

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các Sở, ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách giảm nghèo, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo.

Vận động các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

img_20240422_151415.jpg
Năm 2024, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đề ra mục tiêu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2023.

Cùng với đó tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp hướng tới giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo đảm bảo đạt trên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tập trung nguồn lực hỗ trợ 2 huyện nghèo là Bình Gia, Văn Quan thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2022 – 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Nỗ lực bứt phá để giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO