Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới là động lực phát triển kinh tế
Là một xã miền núi khó khăn, những năm qua nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã có nhiều thay đổi về diện mạo, đặc biệt là công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Bá, Chủ tịch UBND xã Thành Tân.
PV: Ông có thể chia sẻ những đổi thay của xã Thành Tân trong quá trình xây dựng NTM so với trước đây?
Ông Vũ Xuân Bá:
Thành Tân là xã miền núi khó khăn của huyện Thạch Thành, với hơn 51% dân số là đồng bào Mường và người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Bởi vậy, khi bắt tay vào XDNTM Thành Tân gặp không ít khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp. Để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, Thành Tân đã ban hành nghị quyết về XDNTM, cũng như kiện toàn ban chỉ đạo XDNTM xã, ban phát triển nông thôn ở 9 thôn. Đồng thời, rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí xã NTM, để tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện, phương án huy động nguồn lực một cách phù hợp, hiệu quả và công khai rộng rãi để Nhân dân được biết, tham gia đóng góp ý kiến các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện XDNTM. Để khơi dậy sức dân, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ ý nghĩa lớn lao chủ trương của Đảng và Nhà nước về XDNTM, xã còn tập trung thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo đó, mỗi công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã khi được triển khai xây dựng đều bảo đảm phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bằng sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng “rõ kế hoạch, rõ người, rõ việc” và kết hợp linh hoạt giữa dân vận khéo với phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, nên cấp ủy, chính quyền xã đã khơi dậy được lòng dân, sức dân trong XDNTM. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực đóng góp từ Nhân dân, đến cuối năm 2022, Thành Tân đã cứng hóa được 19/21km đường trục xã; bê tông hóa hơn 48/65km đường trục thôn và ngõ, xóm. Các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Thành Tân ngày càng phong quang, sạch đẹp và kiên cố hơn nhờ dân chủ ở cơ sở được phát huy rộng rãi, nhờ “ý Đảng - lòng dân” hòa quyện. Đó còn là các công trình sân vận động xã, trường THCS, cầu tràn thôn Đồng Phú, đường tràn liên hợp thôn Xuân Hương đi thôn Tiên Hương, đường điện chiếu sáng dài hơn 7km ở thôn Cát Thành, nhà văn hóa các thôn Xuân Hương, Bái Đang.
Xã đã huy động được 1,2 tỷ đồng để thực hiện công trình, phần việc trong XDNTM, trong đó nhân dân đóng góp 589 triệu đồng. Từ nguồn huy động ấy, xã đã xây dựng các tuyến đường hoa, trồng cây cảnh, sửa chữa, chỉnh trang cơ quan, nhà văn hóa thôn, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng... Những công trình “ý Đảng - lòng dân” ấy không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn của xã, mà còn góp phần đưa Thành Tân tiến những bước vững chắc trong hành trình “về đích” NTM vào cuối năm 2023.
PV: Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM được xã Thành Tân triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Vũ Xuân Bá:
Xã Thành Tân xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng huyện NTM vì liên quan đến môi trường sống hàng ngày của người dân và cần phải có sự đồng thuận và ủng hộ của người dân trong thực hiện tiêu chí ngay tại nơi sinh sống của hộ gia đình từ cảnh quan môi trường, thu gom, xử lý chất thải, trồng cây xanh,… do vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán của nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống từ những việc làm nhỏ nhất như thu gom, phân loại, xử lý rác ngay tại hộ gia đình.
Tổ chức triển khai thực hiện Mô hình “Ngày chủ nhật cùng hành động về môi trường” để cùng thực hiện các hoạt động tổng dọn dẹp vệ sinh môi trường (khơi thông dòng chảy rãnh nước thải khu dân cư, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương cắt xén cây, cỏ; thu gom, xử lý rác thải bờ kênh, bờ đê và trên đồng ruộng,…); giữ gìn cảnh quan, làm sạch nhà, vệ sinh cơ quan, công sở; trồng cây xanh, trồng hoa, trong khuôn viên công sở làm việc, đường làng, ngõ, xóm, các tuyến đường liên thôn, liên xã... Thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn; phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại nhà; thu gom và xử lý đúng quy trình, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Tổ chức ra quân thực hiện san ủi, bù lấp làm phẳng lòng lề đường; thu dọn vật liệu, đất đá thải trên các tuyến đường giao thông. Không để vật liệu, hàng hóa, biển quảng cáo lấn chiếm lòng, lề đường; giải tán các khu họp chợ không đúng quy định. Chỉnh trang nhà ở, khu dân cư, cơ quan đơn vị ngăn nắp, gọn gàng, khang trang “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nhân dân và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải tại các hộ gia đình. Trong năm 2023, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom 76%, trong đó xử lý 100%; đạt 100% KH; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước HVS 96%, đạt 100% kế hoạch, trong đó dùng nước sạch 67%.
PV: Trong thời gian tới, để hoàn thành các tiêu chí, sớm về đích NTM, xã Thành Tân sẽ thực hiện các giải pháp gì thưa ông ?
Ông Vũ Xuân Bá:
Xã Thành Tân sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, cách làm của Chương trình xây dựng NTM;tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ thực hiện công tác xây dựng NTM các cấp; tăng cường sự tham gia của đoàn viên, hội viên, đoàn thể các cấp trong tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả để tăng lợi nhuận cho người dân.
Song song với đó, xã sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư cho các công trình phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống nhân dân như trường học, nhà văn hóa, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi tạo nguồn, nâng cấp hệ thống điện, nước sạch tập trung, mở rộng thu gom và xử lý rác thải; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị hàng hóa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, để góp phần nâng cao đời sống người dân gắn với xây dựng nông thôn mới, đã và đang thực hiện chỉnh trang đảm bảo trật tự mỹ quan, các tuyến đường xanh, sạch, đẹp. Thực hiện xúc tiến đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, theo hướng quy hoạch tạo động lực phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại. Bên cạnh, tập trung chỉ đạo chặt chẽ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là thực hiện tốt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời ưu tiên thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo phù hợp với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!