Xã hội

Chị Hương sống xanh ở Hạ Long

Trần Thị Thúy Vân - Thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội 17/10/2024 - 10:27

(TN&MT) - Sau 5 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Green Life (phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) đã tái chế và tạo ra gần một triệu sản phẩm gia dụng chủ yếu từ rác thải biển, góp phần không nhỏ bảo vệ cảnh quan, môi trường ở TP. Hạ Long. Nói về thành công của Hợp tác xã Green Life, các thành viên ở đây đều nhắc tên chị Hương Giám đốc.

Khởi nghiệp với rác ở tuổi 50

Đến thăm HTX Green Life, du khách sẽ có cảm giác như được trở về tuổi thơ cách đây mấy chục năm trước, bởi lẽ có rất nhiều món đồ như túi xách, ví cầm tay, ba lô, giỏ hoa được tận dụng tái chế từ rác thải. Những món đồ đó không phải chỉ để trang trí mà đã được bán đi khắp nơi, góp phần hạn chế túi ni lông, đồ nhựa ra môi trường biển ở Hạ Long.

anh-2-3-.jpg
Chị Hương (bìa phải) giới thiệu cho khách du lịch nước ngoài về các sản phẩm tái chế

Chị Trần Thị Hương - Giám đốc HTX Gree Life cho biết: "Cách đây 5 năm, chị em phụ nữ chúng tôi đã cùng nhau thành lập HTX, khi đó tôi tròn 50 tuổi. Ngành nghề chính của HTX là thu gom rác thải ở Hạ Long và tái chế chúng thành những sản phẩm hữu ích. Ban đầu, HTX cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, phương pháp tái chế chúng tôi tự phải lên mạng tìm hiểu, ngoài ra, sản phẩm ra thị trường còn mới mẻ nên chưa chiếm được thị hiếu của khách hàng".

Theo chị Hương, xuất phát từ thực trạng Hạ Long là thành phố du lịch biển nên lượng khách du lịch đông, kéo theo rất nhiều rác thải. Đặc biệt, sau mỗi sự kiện, hoạt động teambuiding, các tấm banner bị vứt bỏ rất nhiều, tràn lan khắp nơi, chủ yếu ở khu vực bãi biển, vì vậy, nhiệm vụ của HTX chính là xử lý những tấm banner đã qua sử dụng đó, biến chúng thành sản phẩm hữu ích.

Ngoài ra, các loại rác thải khác trên bờ biển như chai lọ, thùng sơn, lốp xe, vải thừa đều được tận dụng tái chế thành những sản phẩm có giá trị. Thậm chí đến tường bao của HTX cũng được xây từ những viên gạch vỡ còn kính cửa sổ được tái sử dụng từ các tàu du lịch cải hoán. Quan sát bàn tiếp khách trong HTX, chúng tôi cũng thấy chúng được chế tạo từ các phao tàu bỏ đi, có một thân tàu cũ được chị Hương trang trí với chủ đề các loài cá, san hô đại dương để tạo sức hút du lịch. “Tôi muốn các tấm banner và rác thải nói chung được sống thêm một vòng đời nữa cũng như góp phần bảo vệ môi trường ở Hạ Long. Trước đây có rất nhiều tấm banner trôi nổi ngoài biển, rất mất mỹ quan, lâu ngày chúng chìm xuống còn gây ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật biển, các rạn san hô”, chị Hương chia sẻ.

Biến rác thành tiền

Để có nguyên liệu may vá, chị em phụ nữ trong HTX đã cùng nhau đi thu gom các tấm banner khắp thành phố Hạ Long, sau đó HTX đã liên kết với một công ty để họ chuyên thu gom và mang đến tận nơi giao cho HTX.

anh-1-3-.jpg
Các chị em phụ nữ của HTX đang may những chiếc túi xách từ tấm banner đã qua sử dụng

Ngoài bán túi tái chế với giá thành phù hợp, HTX còn tặng và đổi cho chị em phụ nữ các huyện trong tỉnh để lấy nguồn rác tái chế. Từ khi được thành lập đến nay, HTX đã thu gom được khoảng trên 15 tấn banner, hàng nghìn chai lọ, hàng trăm lốp xe và tạo ra khoảng gần 1 triệu sản phẩm tái chế. HTX cũng đã hưởng ứng các chiến dịch ra quân bảo vệ môi trường biển, dọn rác bãi biển ở Hạ Long, thu gom rác, phân loại và tái chế rác thải.

Hiện nay, ngoài ngành nghề tái chế rác, HTX đang mở rộng dịch vụ du lịch tham quan trải nghiệm. “Chúng tôi biến xưởng sản xuất thành một điểm du lịch tái chế. Mọi sản phẩm ở đây đều được làm từ rác, từ bộ bàn ghế, giỏ hoa, thậm chí là áo dài được may từ các miếng vải thừa. Du lịch không chỉ tạo thêm sinh kế cho chị em mà còn truyền cảm hứng về sống xanh tới du khách”, chị Hương chia sẻ.

Khách đến tham quan HTX không chỉ có các đoàn khách trong nước mà có nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài cũng như các đoàn học sinh đến học tập về bảo vệ môi trường và tổ chức tọa đàm. Du khách có thể trải nghiệm tự làm sản phẩm tái chế cho mình với sự hướng dẫn của thành viên HTX. Chị Hương cho biết, HTX cũng từng đón đoàn học sinh ngoại khóa đến trải nghiệm do Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam kết nối. Hiện nay, mỗi tháng HTX đón khoảng 200 du khách đến tham quan trải nghiệm và được kết nối với nhiều tuor du lịch của TP. Hạ Long.

anh-3-3-.jpg
Du khách phấn khởi tham quan, trải nghiệm không gian tái chế của HTX

Chị Joey, du khách đến từ Mỹ chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng khi đến tham quan HTX, việc tái chế rác thải có ý nghĩa rất lớn đến môi trường, đặc biệt là một thành phố du lịch như Hạ Long. HTX đã truyền cảm hứng về sống xanh cho những ai đến tham quan, đặc biệt là các em học sinh. Khi về nước, tôi sẽ kể cho bạn bè tôi nghe về công việc của HTX và mua những món đồ tái chế ở HTX tặng họ".

Tại khu sân vườn, chị Hương tận dụng các tấm lưới đánh cá còn lành lặn để treo các giỏ hoa, trồng nhiều cây xanh để tạo ra một không gian xanh mát cho khách du lịch nghỉ chân. Tại đây, chị Hương còn lan tỏa những thông điệp sống xanh như "Giảm nhựa vì một Hạ Long xanh", "Nói không với rác thải nhựa", "Tái chế thật dễ"...

Đến nay, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 9 chị em phụ nữ với thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/tháng. Doanh thu một năm của HTX khoảng 1,5 tỷ đồng. Điều quan trọng nhất là HTX đã xử lý được một lượng rác thải lớn, tránh để chúng bị trôi nổi trên bãi biển hoặc chìm xuống đáy biển sâu.

Bà Lương Thị Minh Thương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hà Khẩu cho biết: “Chị Hương xuất phát là một hội viên phụ nữ năng nổ, nhiệt tình, sau khi thấy các cấp Hội Phụ nữ tuyên truyền về sống xanh, chị Hương đã quyết định khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ với một ngành nghề đặc thù. HTX của chị đã xử lý được một lượng rác thải lớn ở Hạ Long, góp phần gìn giữ thành phố du lịch xanh sạch đẹp. Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các chi hội phụ nữ nhân dân mô hình này cũng như vận động chị em ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chị Hương sống xanh ở Hạ Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO