Điện Biên đẩy mạnh giao đất, giao rừng

Bài và ảnh: Hà Thuận| 12/10/2019 11:10

(TN&MT) - Nhằm đẩy mạnh triển khai việc giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất lâm nghiệp cho người dân, tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSD đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh Điện Biên (Kế hoạch 388), trong giai đoạn từ 2013 - 2015, tỉnh Điện Biên đã tiến hành giao đất, giao rừng, cấp Giấy CNQSD đất cho 4.639 tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, với tổng diện tích đất đã giao là 328.126,14ha/602.073,1ha, đạt 54,5% so với diện tích đất lâm nghiệp theo Kế hoạch 388/KH-UBND, ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh Điện Biên. Trong đó đất lâm nghiệp có rừng đã giao 311.189,7ha và đất lâm nghiệp chưa có rừng đã giao là 16.936,44ha.

anh-3.jpg

Cán bộ Hạt kiểm lâm Nậm Pồ phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng

Trên cơ sở kết quả giao đất, giao rừng và cấp Giấy CNQSD đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí thực hiện ra soát, hoàn chỉnh giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí theo Kế hoạch 388 là 49.612,2 triệu đồng.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, cho biết: Kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch 388 của UBND tỉnh Điện Biên đã khắc phục được một số hạn chế, tồn tại của giai đoạn thực hiện giao rừng theo Nghị định 163(không giao đất trên thực địa). Việc giao đất, giao rừng theo Kế hoạch 388 đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp theo dõi, quản lý tốt diện tích rừng hiện có, là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến với đối tượng thụ hưởng; hạn chế thấp nhất tình trạng tranh chấp rừng và đất rừng; làm tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như trong công tác phòng chống cháy rừng và quản lý lâm sản.”

anh-2.jpg

Cán bộ Hạt kiểm lâm Nậm Pồ phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch 388/KH-UBND, ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong đó, công tác quản lý bảo vệ rừng của một số cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở nhiều địa phương vẫn còn thờ ơ, còn mang tính hình thức nên vẫn xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép; quá trình thực hiện giao đất, giao rừng chưa chặt chẽ ở một số địa phương đã làm phát sinh mâu thuẫn về đất đai giữa các cộng đồng giáp ranh.Một số địa phương đất nông nghiệp xem kẽ với đất lâm nghiệp nên rất khó khăn trong công tác quản lý, phòng cháy, chữa cháy. Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh chậm được phê duyệt, do đó đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng là đất lâm nghiệp.

Hiện, tỉnh Điện Biên xây dựng Kế hoạch rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp Giấy CNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu kế hoạch là rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ giao đất, giao rừng cho diện tích rừng đã giao cho các chủ rừng và hoàn chỉnh hồ sơ về giao đất, cấp Giấy CNQSDĐ lân nghiệp có rừng và chưa có rừng và đến hết năm 2023, tỉnh Điện Biên sẽ hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp Giấy CNQSD đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

anh-1.jpeg
Người dân Mường Chà phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm huyện tuần tra bảo vệ rừng.

Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát diện tích đất lâm nghiệp có rừng và chưa có rừng thực hiện giao đất, giao rừng và cấp Giấy CNQSD đất lâm nghiệp với diện tích 366.626,85ha (trong đó đất lâm nghiệp có rừng là 31.772,27ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng là 334.854,58ha) để thực hiện giao đất, cấp giấy CNQSD đất, với tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 106,8 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên đẩy mạnh giao đất, giao rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO