Nỗ lực vì môi trường Sơn La xanh
(TN&MT) - Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội xanh, nhanh, bền vững.
Hiện nay, toàn tỉnh có 11 đô thị, gồm 1 đô thị loại II (thành phố Sơn La), 2 đô thị loại IV (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn và đô thị Mộc Châu, huyện Mộc Châu), 8 đô thị loại V; riêng huyện Vân Hồ chưa có đô thị được cấp có thẩm quyền công nhận. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 18%.
Là địa phương đang nỗ lực hướng tới đô thị loại I, thành phố Sơn La có 7 phường, 5 xã, tổng diện tích 32.293ha, mật độ dân số 3,46 người/km2. Để quản lý, bảo vệ môi trường đô thị, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Giao các phòng ban chuyên môn, các xã phường thực hiện nghiêm Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển thành phố trở thành đô thị loại I, phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Cải tạo, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng các công viên, quảng trường, hồ nước, vườn hoa công cộng; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; hoàn thiện hạ tầng các mặt bằng dân cư, mặt bằng tái định cư dang dở kết hợp với tổ chức lại cuộc sống dân cư. Thực hiện phân loại rác tại nguồn, rà soát lại hệ thống xử lý rác thải hiện có để đáp ứng việc xử lý rác sau khi thực hiện phân loại.
Đến nay, toàn thành phố đã triển khai đầu tư 282 công trình theo hình thức “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, qua đó, đã đầu tư gần 20km tuyến đường Asphalt, 60km đường giao thông nông thôn, gần 5km điện chiếu sáng, 12km kênh mương nội đồng; 43 công trình bảo vệ đầu nguồn nước sinh hoạt... Từng bước thay thế đèn chiếu sáng công cộng bằng bóng Led tiết kiệm năng lượng điện; hoàn thành, công nhận 17/34 tuyến đường, tuyến phố văn minh đô thị.
Đến hết năm 2024, ước diện tích cây xanh toàn đô thị đạt 17,2 m2/người; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị đạt 55%. Các chỉ tiêu về tiêu chuẩn cấp nước sạch, cấp điện, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, đất cây xanh đô thị… và một số chỉ tiêu về phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan khu vực ngoại thành, ngoại thị cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí đô thị loại I.
Còn tại huyện vùng biên Sông Mã, thị trấn Sông Mã là trung tâm hành chính của huyện với 5 tổ dân phố, hơn 7.700 người; tổng diện tích 431,45 ha; tỷ lệ đô thị hóa đạt 7,85%; diện tích đất cây xanh khu vực nội thị là 4,2m2/người. Hiện nay, hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt khu vực đô thị Sông Mã đã được đầu tư xây dựng bao quanh; tỷ lệ chất thải rắn khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt 100%.
Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn quan lâm làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn về bảo vệ môi trường. Mục tiêu đến năm 2025, thị trấn Sông Mã là đô thị mới, năng động, là đầu mối về thương mại dịch vụ, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đủ điều kiện để tiếp tục phát triển tiến lên đô thị loại IV và thị xã trong tương lai.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, để bảo vệ môi trường đô thị, kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm đã lồng ghép các mục tiêu phát triển đô thị bền vững, đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước, hệ thống vệ sinh cho các đô thị; quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao; phát triển đô thị theo hướng bền vững, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn.
Hàng năm, tỉnh đã duy trì đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước dưới đất, môi trường đất khu vực đô thị trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Kết quả quan trắc cho thấy, diễn biến chất lượng môi trường đô thị cơ bản ổn định. Bên cạnh đó, tất cả các đô thị và khu vực có tiềm năng phát triển đã và đang được lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở cho việc quản lý đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội một cách đồng bộ, hiệu quả.
Nhờ đó, đến nay, bộ mặt đô thị trung tâm thành phố Sơn La, các thị trấn huyện lỵ đang từng bước thay đổi và phát triển, đáp ứng yêu cầu trung tâm hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh và các huyện. Các địa phương đã quan tâm bố trí ngân sách và thực hiện chăm sóc, duy trì ổn định tổng diện tích đất cây xanh trong đô thị khoảng 127,4 ha; tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người đạt khoảng 7m2/người; số lượng công viên đô thị là 26 công viên, với diện tích khoảng 36,4 ha.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đô thị, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho nhân dân, thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai điều tra, đánh giá, xác định các khu vực phù hợp để thành lập các khu xử lý chất thải tập trung theo từng huyện. Đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh.
Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường và yêu cầu kỹ thuật; giảm thiểu chất thải nhựa.
Đa dạng hóa các công nghệ xử lý chất thải, khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Tăng cường đồng xử lý, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng; hạn chế và có lộ trình tiến tới chấm dứt việc đầu tư mới các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp.