Biến đổi khí hậu

Chông chênh mùa màng Tây Bắc

Trần Hương 09/06/2023 - 16:50

(TN&MT) - Tháng 5, trời Tây Bắc bước vào những ngày nắng nóng kỷ lục. Nhiệt độ ngoài trời có lúc trên 40 độ C. Sông hồ cạn nước, khí hậu oi bức… So với những năm trước đây khí hậu Tây Bắc bây giờ khắc nghiệt hơn nhiều. Nắng lắm, mưa nhiều… nhiệt độ các mùa đều tăng lên rõ rệt.

Những dòng sông trơ đáy

Chúng tôi đi một vòng Sơn La, Điện Biên, Lai Châu rồi về Lào Cai, xuôi về Hà Nội. Đi một nửa vòng cung Tây Bắc, qua tỉnh Điện Biên, Lai Châu con sông Đà mùa này cạn trơ đáy. Một phần vì lượng mưa ít, một phần vì chuỗi thủy điện chạy dọc con sông mùa tích nước, nên phía hạ du dòng sông chỉ còn nhỏ hẹp như lạch, ngòi nước không đáng kể. Sông Đà được mệnh danh là dòng “độc Bắc lưu” bởi mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông, riêng chỉ có dòng sông Đà chảy theo hướng Bắc và cũng là con sông hung dữ nhất trong các hệ thống sông ngòi Việt Nam, diện tích khoảng 52, 500km2. Sông Đà cung cấp khoảng 55% lượng nước và là chi lưu lớn nhất của hệ thống sông Hồng có nhiều thác ghềnh , độ dốc lớn, nước chảy xiết và là một trong những yếu tố làm nên 50% tổng các trận lũ lụt sông Hồng hàng năm.

bdkh1.jpg
Sông Đà đoạn chảy qua xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đang cạn dần

Nhưng nay, sông Đà nhiều đoạn cạn trơ đáy, tiếc nuối những kí ức của dòng sông, cụ ông Mào Văn Tre, (94 tuổi) người Thái (ngành Thái trắng), TX, Mường Lay, ngôi nhà sàn của ông nhìn thẳng ra sông Đà. Ông kể: Những thập niên 90 dòng sông Đà dữ dằn cuồn cuộn chảy. Nhất là những khi mưa lũ nước chảy về cuồn cuộn đục ngàu, đỏ lòm như mắt quỷ. Những thân gỗ to mấy người ôm lao đi vun vút nhẹ như tên bay. Có những ngày dòng sông trong xanh, đoạn trôi êm ả, đoạn thác gầm gào phía dưới… đêm tĩnh mịch hay ngày ồn ào vẫn nghe được tiếng suối reo. Đoạn sông này nuôi sống bao thế hệ người Thái trắng ở đây. Chỉ cần mang chài đi một lúc về là có cá. Giờ nhìn dòng sông cạn trơ đáy mà thấy buồn thiu, như mất cái gì đó mà không thể gọi tên.

Đối mặt với con sông, cảm giác bất an thay cho niềm thanh thản. Cụ Tre hiểu ra như thể chính dòng sông Đà đôi khi làm tâm mình tĩnh lại, dòng sông cất dấu hộ bao ký ức thăng trầm của đời người Thái ở thị xã nhỏ hẹp Mường Lay. Từ thuở vua Lê Lợi khắc bia bài thơ trấn ải bên sông Đà, cho đến tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân đã khắc hoạ những nét thơ mộng, hùng vĩ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên qua hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình.

bdkh2.jpg
Một nhánh sông chảy vào sông Đà, nằm trên địa phận xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ đã cạn nước

Thời bấy giờ ai có thể mượng tượng rằng dòng sông Đà có một ngày cạn trơ đáy. Do chuyển biến của tự nhiên hay do tác động của con người? Dọc Quốc lộ 12 từ Điện Biên lên Lai Châu, bắt đầu từ bản Púng Giắt người Xá (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) cho tới huyện Phong Thổ của Lai Châu. Hướng tuyến rất dễ nhìn thấy sông Đà và những nhánh Nậm Na, Nậm Mức, Nậm U… mùa này thủy điện tích nước nên cũng cạn trơ đáy.

Chúng tôi đều có cảm nhận như cụ Tre, đứng trước dòng sông có gì đó tiếc nuối và hụt hẫng… cả đoạn sông dài những hòn cuội nằm lăn lóc, nổi lên những doi cát để lộ ra những mảnh đất là phù sa màu vàng suộm. Người dân sống quanh đôi bờ tranh thủ mùa nước cạn mà gieo hạt. Chị Hạnh người Thái, ở xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu nói trong tiếc nuối: Trước sông Đà cho đầy tôm cá, nhìn dòng sông thấy lòng mình thanh thản, nhất là những đêm trăng sáng từ ra - đi - phát chương trình tiếng Thái, bài hát “Tiễn dặn người yêu” cùng ánh trăng soi bàng bạc, lấp lóa mặt sông, tiếng hát chơi vơi… thấy đời thật thơ mộng. Giờ chẳng còn cảm giác ấy nữa.

Dòng sông thuở nào là mạch nguồn tưới mát ruộng nương, thác ghềnh gầm gào gây sức vóc tự nhiên, nay trơ đáy như những dòng sông chết. Ngoài tác động của con người còn có một phần biến đổi của dòng chảy tự nhiên. Biến đối khí hậu cũng làm dòng sông ít nước… Ai là người trả lại sức sống của dòng sông?

Diễn biến cực đoan của thời tiết

Thời điểm này Tây Bắc đang mùa khô hạn, ai lên Tây Bắc mùa này sẽ thấy ngay những ngọn đồi trơ đất đỏ au. Xưa, Tây Bắc chỉ có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4, có năm muộn thì tháng 5 và kết thúc thường vào tháng 9 tháng 10, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.600mm đến 2.000mm. Song vài năm trở lại đây, từ tháng 1 đến tháng 4, lượng mưa trung bình trong tháng chỉ đạt từ 10 – 20mm. Có tháng dưới 10mm. Tổng số giờ nắng trong năm của Tây Bắc dao động từ 1.800 giờ đến 2.000 giờ, hầu như không có tháng nào dưới 100 giờ nắng.

Trước đây, nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất ở Tây Bắc từ 25 – 27oC, nhưng vài năm trở lại đây nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất có thời điểm lên đến 36oC. Chưa khi nào thời tiết giữa các vùng miền lại có nét tương đồng như hiện nay; miền núi cũng nóng như miền xuôi... Chị Đỗ Huyền Trang, Phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn, Sơn La, chia sẻ: Nắng nóng đợt này còn kéo dài, kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Diễn biến cực đoan của thời tiết khó lường, mưa nắng thất thường và cường độ rất lớn. Mùa mưa dần ngắn lại, ngày nắng nóng tăng lên. Nông nghiệp, lâm nghiệp là những ngành sản xuất chính ở Tây Bắc chịu tác động mạnh mẽ nhất của việc biến đổi khí hậu và những biến động về thời tiết, sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa làm thay đổi mùa vụ canh tác, cơ cấu cây trồng của địa phương. Mưa lũ, hạn hán ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến nơi cư trú của đồng bào các dân tộc ở Sơn La.

a3.jpg
Trận mưa đá với mật độ khá dày xảy ra vào tháng 3/2023 tại thành phố Điện Biên Phủ

Riêng năm 2018, cả bản Sán Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu bị xóa sổ hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất đá. Khoảng 300 ngôi nhà của tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên bị dông lốc cuốn bay, mưa gió làm đổ năm 2022. Và rất nhiều cây trồng vật nuôi của đồng bào bị vùi lấp, đó là hệ lụy, diễn biến cực đoan của thời tiết. Nhiều giống cây trồng của bà con được thay thế, biến đổi khí hậu đã làm cho đời sống đồng bào vùng cao Tây Bắc ngày càng trở nên khốn khó.

Năm 2023, đợt nắng nóng vừa qua đã làm cho hơn 500ha diện tích ngô, lúa, rau màu của các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu bị hạn có nguy cơ mất trắng. Nhiều giải pháp chống hạn, cứu lúa được các tỉnh đề ra nhưng đó chưa phải giải pháp lâu dài. Đồng bào Tây Bắc, đối tượng lao động sản xuất nông nghiệp là người chịu ảnh hưởng trực tiếp của thực trạng biến đổi khí hậu, diễn biến cực đoan của thời tiết.

Với việc xuất hiện nhiều thiên tai đặc biệt nguy hiểm có tần suất, quy mô và cường độ ngày càng khó lường. Những nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến các hiện tượng cực đoan và tìm kiếm những khả năng dự báo chúng thực sự là một trong những bài toán cấp bách và cần sớm được thực hiện ở Tây Bắc. Nếu giải quyết được bài toán này sẽ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách xác định chiến lược phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó còn góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phòng, chống thiên tai, tạo tiền đề cho việc xây dựng các giải pháp giảm nhẹ và hạn chế thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chông chênh mùa màng Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO