Biến đổi khí hậu

ESG phát huy hiệu quả từ bán “hơi thở của rừng”

Thanh Tâm 03/12/2024 - 20:01

Thực thi các tiêu chuẩn phát triển bền vững (ESG) vào chuyển nhượng kết quả giảm phát thải nhà kính tạo nguồn thu lớn từ rừng, xây dựng nguồn lực bảo vệ rừng; ngoài ra chính là động lực phát triển rừng bền vững, xây dựng sinh kế lâu dài cho người dân sống dựa vào rừng.

Bán chỉ carbon góp phần xây dựng nguồn nhân lực bảo vệ rừng

Thanh Hóa là một trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định 107/2022 của Chính phủ.

Giai đoạn 2023- 2025, Thanh Hóa có hơn 393.000 ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, thu về hơn 162 tỷ đồng. Thị trường carbon phát triển mở ra cơ hội tạo nguồn lực tài chính bổ sung cho lâm nghiệp thông qua các cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng, vấn đề môi trường và sự phát triển bền vững trở thành những thách thức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến sự phát triển bền vững thông qua bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu lượng khí thải carbon, sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm chất thải.

Xu hướng là: Nếu các doanh nghiệp phát thải nhà kính nhiều sẽ phải trả tiền. Số tiền ấy được nhà nước chi trả cho các cá nhân, cộng đồng, lực lượng tham gia bảo vệ rừng, làm giàu rừng. Qua đây, tạo nên chuỗi tuần hoàn khép kín từ khâu bảo vệ đến quản lý, phát triển rừng. Có như vậy, các doanh nghiệp, đơn vị sẽ có ý thức giữ gìn môi trường, cùng chung tay, đồng hành cùng lực chức năng bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

1(1).jpg
Bán chỉ carbon góp phần xây dựng nguồn nhân lực bảo vệ rừng

Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường ông Nguyễn Đình Thái, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, với phương châm: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế” buộc các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải có chiến lược bảo vệ môi trường. Đồng thời, lực lượng chức năng cần có những giải pháp kỹ thuật để tăng cường quản lý rừng, phát triển các mô hình kinh tế phụ trợ hoặc giáo dục cộng đồng để phát triển rừng bền vững.

“Việc thực thi ESG, bán “hơi thở của rừng” đánh thức tiềm năng phát triển rừng là xu hướng tất yếu. Đây cũng là bước đi quan trọng trong tạo môi trường, xây dựng nguồn nhân lực bền vững có trách nhiệm, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức để bảo vệ rừng”, ông Thái khẳng định.

ESG là cụm từ viết tắt bởi Environmental (môi trường); Social (xã hội) và Governance (quản trị doanh nghiệp). Đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân bảo vệ gần 9.000ha rừng tự nhiên và nhận được hơn 1,1 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon. Đơn vị này đang hoàn thiện thủ tục hỗ trợ sinh kế cho 19 cộng đồng tham gia hoạt động quản lý rừng.

Tổ quản lý rừng cộng đồng thôn Ngọc Thượng, xã Lương Sơn là 1 trong 19 tổ quản lý rừng cộng đồng được chi trả tiền bán tín chỉ carbon. Tổ gồm 15 thành viên, được giao quản lý, bảo vệ hơn 900 ha rừng tự nhiên gần khu dân cư. Đầu năm 2024, tổ được nhận 50 triệu đồng từ bán tín chỉ carbon. Sau khi họp bàn, người dân trong thôn Ngọc Thượng thống nhất sử dụng số tiền trên vào lợp mái tôn ở sân nhà văn hóa.

Ông Lê Đăng Hải, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ngọc Thượng cho biết, cộng đồng thôn Ngọc Thượng coi việc bảo vệ rừng là trách nhiệm, vì thế mỗi tuần tổ sẽ cử 2 thành viên đi tuần tra, bảo vệ rừng. Trong nhiều năm qua, diện tích 900 ha rừng tự nhiên mà tổ nhận bảo vệ, an ninh rừng luôn được giữ vững, người dân đều có ý thức trong việc giữ gìn tài nguyên rừng cũng như phòng cháy.

2(1).jpg
Ông Lê Đăng Hải, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ngọc Thượng là gương sáng trong giữ rừng ở địa phương

Ông Lê Văn Oai, Trưởng thôn Ngọc Thượng cho biết, nhà văn hóa thôn xuống cấp, nhiều hạng mục cần số tiền lớn để tu sửa, nâng cấp. Thế nhưng, đa phần các hộ dân đều khó khăn, chỉ có thể góp công chứ không có tiền đóng góp. Số tiền từ bán tín chỉ carbon góp phần tu sửa một phần nhà văn hóa. Mỗi khi đến ngôi nhà chung, sinh hoạt cả cộng đồng sẽ nhớ về tiền bán tín chỉ carbon, từ đó tạo động lực, giúp người dân bảo vệ rừng tốt hơn.

Ông Đỗ Văn Giáp, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân cho biết, tiền bán tín chỉ carbon mang lại giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội. Số tiền ấy được chi cho hoạt động hỗ trợ sinh kế tại cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng và các đơn vị chức năng thực hiện biện pháp lâm sinh.

Ông Giáp cho biết, dựa vào nhu cầu mà mỗi cộng đồng tham gia quản lý rừng sẽ đề xuất hỗ trợ hoạt động sinh kế khác nhau. Có cộng đồng đề xuất hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, cung ứng, giống cây trồng, giống vật nuôi; mua sắm thiết bị chế biến nông lâm sản; tham quan học tập xây dựng các mô hình trình diễn về phát triển sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Có cộng đồng lại muốn xây dựng các công trình công cộng của cộng đồng, như: nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa,… có cộng đồng lại đề xuất hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng hương ước, quy chế, cam kết thực thi pháp luật.

Riêng các đơn vị chức năng sẽ xây dựng các biện pháp lâm sinh, làm giàu rừng, như: Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, công trình, mua sắm mới thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chi công tác kiểm tra, nghiệm thu, giám sát, văn phòng phẩm,…

“Cộng đồng được hưởng lợi từ rừng, từ đó tạo nên nguồn nhân lực bảo vệ rừng lớn, bền vững. Việc thực hiện chữ “S” Social (xã hội) trong ESG - phát triển rừng bền vững không còn là việc của riêng mà là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả cộng đồng”, ông Giáp nói.

ESG, giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng

Thống kê từ Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân cho thấy, năm 2023 huyện này có khoảng 63.000 ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, thu về hơn 8 tỷ đồng.

“Việc bán tín chỉ carbon là xu hướng phát triển rừng bền vững. Nguồn lợi từ bán tín được chia cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng tham gia giữ rừng, từ đó sẽ giảm áp lực lên các lực lượng chính tham gia bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Văn Bính, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân nhận định.

1.1.jpg
ESG, giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng

Nguồn tiền từ “bán hơi thở” của rừng tạo kế sinh nhai cho các cộng đồng sống gần rừng, từ đó sẽ giảm áp lực phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép. Khi đời sống của người được cải thiện, các cộng đồng quan tâm đến việc làm giàu rừng, phát triển rừng bền vững, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia và hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu - ông Bính chia sẻ thêm.

Việc thu lợi từ bán tín chỉ carbon giúp các cộng đồng bảo vệ rừng xây dựng được nhiều công trình công cộng, xây dựng mô hình kinh tế,… đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, nguồn tiền từ việc “bán hơi thở” của rừng sẽ tạo động lực, tính chủ động của người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ, gắn bó với rừng, phát triển rừng bền vững; thay đổi tư duy, nhận thức của bà con về vai trò, tác dụng của rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống.

ESG động lực phát triển rừng bền vững

Gần 30 năm nay, ông Trần Xuân Hùng (63 tuổi, thôn Quạn, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) tham gia bảo vệ 14 ha ở khu vực giáp ranh giữa huyện Thường Xuân và Lang Chánh. Hàng năm ông Hùng đều nhận được hỗ trợ gạo từ việc khoanh nuôi bảo vệ. Đầu năm 2024, ông nhận thêm được 2 triệu đồng từ chuyển nhượng kết quả giảm phát thải nhà kính. Đó là động lực để ông bảo vệ rừng tốt hơn.

Nhiệm vụ của ông Hùng là bảo vệ rừng, không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng; không phát rừng làm nương rẫy; phải có biện pháp chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô…

z6094078422330_8fcde58db10e40ce38aa215a5642e1a4.jpg
Ông Trần Xuân Hùng đã có kinh nghiệm gần 30 năm giữ rừng.

Nhớ về 30 năm trước, ông Hùng cho biết, do chưa được bảo vệ nghiêm ngặt nên người dân nhiều nơi vào rừng chặt phá, rừng quanh thôn Quạn bị tàn phá nghiêm trọng. Năm 1997 nhà nước có chính sách giao khoán bảo vệ rừng, gia đình ông xung phong nhận bảo vệ 14ha, cách nhà 4km. Nhờ được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt, dần dần, những cánh rừng ở Thường Xuân hồi sinh

Ông Lương Công Thắm, Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân cho biết, xác định bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống và tính đa dạng của trái đất, vì thế bà con nơi đây coi việc giữ rừng là trách nhiệm. Hiện, xã Vạn Xuân có 435 hộ tham gia bảo vệ gần 17.000 ha rừng tự nhiên, thu về hơn 200 triệu đồng từ “bán hơi thở” của rừng. Nguồn lợi từ rừng giúp cho việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững, nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng được tốt hơn.

Ông Thắm đánh giá, chữ “E” trong Environmental (môi trường) và việc phát triển rừng bền vững có quan hệ mật thiết. “Bảo vệ, quản lý, phát triển tài nguyên rừng tạo ra môi trường sống cho rất nhiều loài thực, động vật rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen của các loài quý hiếm. Những tán rừng đang điều hoà không khí, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ nguồn nước. Lá chắn xanh từ rừng, ngăn chặn, làm giảm các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất,...”, ông Thắm nói.

Vị chủ tịch xã cho biết, thực hiện chữ “E” trong ESG - phát triển rừng bền vững cần được tuyên truyền rộng rãi hơn để bà con hiểu. “Môi trường rừng có “khỏe” thì cuộc sống của người dân mới khỏe, bình yên, hạnh phúc. Việc bán tín chỉ carbon tạo ra nguồn thu nhập “thứ cấp”, tiền tươi thóc thật. Từ đó, bà con sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, phát triển rừng bền vững”, ông Thắm chia sẻ.

Để những cánh rừng ở Vạn Xuân luôn xanh tốt, hằng năm, chính quyền xã Vạn Xuân phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức, chỉ đạo việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật gây hại rừng ở địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ESG phát huy hiệu quả từ bán “hơi thở của rừng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO