TP.HCM thúc đẩy tăng trưởng xanh
(TN&MT) - Để ứng phó với biến đổi khí hậu, TP.HCM đã xây dựng chiến lược dài hạn nhằm huy động các nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính...
Sức ép từ biến đổi khí hậu
TP.HCM đang phải chịu "sức ép" ngày càng gia tăng từ tác động của biến đổi khí hậu, sụt giảm mực nước ngầm, sụt lún đô thị, cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp. Đây là những thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững mà thành phố đang hướng đến.
Tiến sĩ Trần Thị Bích Nga - Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, TP.HCM đang chịu áp lực từ gia tăng dân số, các áp lực từ quá trình đô thị hóa, hoạt động sản xuất thương mại, dịch vụ, giao thông. Hiện, thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp; có hơn 120 bệnh viện; hơn 8 triệu phương tiện xe cơ giới gồm ô-tô, xe gắn máy và mỗi ngày thành phố cũng "gồng gánh" một lượng lớn chất thải rắn phát sinh...
Quá trình đô thị hóa nhanh, tăng nhiệt độ, dẫn đến nhiệt độ cao hơn trong trung tâm nội ô đô thị. Mực nước biển dâng cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt dẫn đến nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn tăng lên. Việc thay đổi lượng mưa dẫn đến nguy cơ ngập lụt trên diện rộng và kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở TP.HCM, lượng nước ngầm khai thác bình quân hàng ngày để sử dụng cho công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt và các mục đích sử dụng khác là hơn 577.000 m3/ngày, gồm cả lượng nước khai thác từ các giếng chưa đăng ký. Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sụt lún (không cấp phép khai thác nước ngầm, phát triển đô thị ở những khu vực có nền địa chất tốt...) nhưng tình trạng sụt lún nền đất vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM.
Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, TP.HCM là 1 trong 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Với 65% diện tích thành phố có độ cao dưới 1,5m so với mực nước biển, tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số đã làm tăng sức ép lên khu vực xanh. Thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu tại thành phố có thể lên đến 50 triệu USD mỗi năm. Dự báo về nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam đến năm 2050, mực nước biển có thể dâng khoảng 30cm và đến cuối thế kỷ 21 sẽ là 75cm. Khi đó, 204km2 tương đương 10% diện tích của TP.HCM bị ngập và năm 2100 sẽ có 472km2 tương đương 23% diện tích thành phố sẽ bị ngập chìm trong nước biển.
Nhiều giải pháp thích ứng
Trước những thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu, TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng được ưu tiên, mang tầm nhìn dài hạn cho tổng thể sự phát triển bền vững của thành phố.
Theo PSG.TS Nguyễn Hồng Quân, thời gian qua, TP.HCM đang nỗ lực giảm tác động từ biến đổi khí hậu bằng cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn theo hướng trên nền tảng công nghệ 4.0, đổi mới sáng tạo, cải thiện, tạo môi trường sống xanh - sạch, hiện đại, đồng thời bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái.
Chẳng hạn, TP.HCM phát triển dự án công trình xanh, cải tạo và nâng cấp đô thị trên cơ sở lồng ghép các giá trị mới xanh, ứng phó biến đổi khí hậu hay xem xét tái chế, tái sử dụng nguồn nguyên vật liệu xây dựng, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao, thu hút đầu tư khu công nghiệp sinh thái.
Dẫn ví dụ cụ thể, ông Quân cho biết, năm 2024, thành phố đã chuẩn bị danh mục gồm 28 dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh. Trong đó, có đầu tư dự án Trung tâm dữ liệu (Data Center), dự án Nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn và dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Ngoài ra còn có các dự án về xây dựng trung tâm tài chính, chỉnh trang đô thị...
TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và tin học ứng dụng TP.HCM cho biết, TP.HCM đã đặt ra mục tiêu chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh, với tâm điểm là đảm bảo tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng, nguồn tài nguyên và giảm thiểu tối đa lượng khí thải. "Việc chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu, mà còn thu hút được các nhà đầu tư quốc tế". "Việc xây dựng trung tâm tài chính xanh là động lực thúc đẩy TP.HCM trở thành điểm sáng về đổi mới và bền vững trong khu vực", TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Về phía Sở TN&MT, ông Tống Viết Thành - Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn cho rằng, quản lý chất thải là một trong những giải pháp được đưa ra để thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh trung bình khoảng 13.000 tấn/ngày. Sau phân loại, tái chế và đưa về các nhà máy xử lý trung bình phát sinh khoảng 10.000 tấn/ngày.
Để hướng tới tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, Sở TN&MT tiếp tục rà soát, tham vấn Bộ TN&MT để hoàn thiện khung pháp lý, triển khai quy hoạch xử lý chất thải và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý rác thải trên địa bàn thành phố. Ưu tiên chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt hiện hữu theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường gắn với việc xây dựng, triển khai thực hiện đề án giảm phát thải trên địa bàn thành phố. Đồng thời nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn để từng bước hoàn thiện, nhân rộng các mô hình phân loại, tái chế chất thải, theo hướng tuần hoàn vật liệu, giảm phát sinh chất thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh...