Xã hội

Cần Thơ: Tích cực bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững

Lê Hùng 27/09/2023 - 17:50

(TN&MT)- Trong thời gian qua, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể TP. Cần Thơ đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt, bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa, tăng cường tái chế phụ phẩm sau thu hoạch để bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần xây dựng thành phố ngày càng xanh- sạch - đẹp, bền vững.

a1-moi-truong-ct.jpg
Các hoạt động góp phần bảo vệ môi trường đang được các ngành, các cấp, người dân TP. Cần Thơ quan tâm triển khai thực hiện

Tổ chức nhiều hoạt động BVMT

Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2023, trong thời gian vừa qua các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể và quận, huyện TP. Cần Thơ đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên, người dân tham gia các hoạt động phân loại rác thải tại nguồn; vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải trên các tuyến đường, kênh rạch; hạn chế sử dụng túi ni lon, hộp sốp dùng một lần ở khu vực đô thị và nông thôn.

Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và UBND quận, huyện đã từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; đồng thời thực hiện được hàng trăm công trình, phần việc góp phần xây dựng môi trường sáng xanh - sạch - đẹp cho những tuyến kênh rạch, lộ giao thông, khu dân cư, điểm vui chơi công cộng.

Từ đầu tháng 6/2023 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Cần Thơ đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến cho hội viên về những tác hại của túi ni lon, chai nhựa, hộp xốp, ống hút đối với môi trường nếu không được xử lý đúng cách; hướng dẫn hội viên các giải pháp xử lý, thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa; đồng thời triển khai chương trình đổi rác thải lấy quà tặng ở một số quận, huyện, qua đó thu về gần 2.000kg rác thải nhựa, rác nguy độc hại; ra mắt mô hình “phụ nữ sống xanh” tại Chợ Trà An quận Bình Thủy; nhân rộng mô hình như biến rác thải nhựa thành tiền; mô hình biến rác thải nhựa thành bảo hiểm y tế; thu gom phế thải nông nghiệp.

Bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN TP. Cần Thơ cho biết: Ngoài việc triển khai các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm nhựa, Hội LHPN còn phối hợp với các đoàn thể tổ chức phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường ngõ hẻm khu dân cư, trồng cây xanh, hoa kiểng dọc hai bên một số tuyến đường vừa mang lại lợi ích về kinh tế cho mỗi gia đình và xã hội, vừa tạo cảnh quan môi trường ở đô thị cũng như nông thôn Cần Thơ ngày càng xanh - sạch - đẹp, bền vững.

Đối với Hội Nông dân TP. Cần Thơ, bên cạnh việc vận động hơn 78.600 hội viên tham gia các công trình, phần việc góp phần cải thiện chất lượng môi trường nước, không khí ở khu vực đô thị cũng như nông thôn, còn triển khai các mô hình BVMT gắn với cải thiện thu nhập, tạo điều kiện giúp các hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững. Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ cho biết: “Trong thời gian vừa qua, Hội Nông dân đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng mô hình sản xuất gắn với BVMT trên địa bàn thành phố như mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường; xử lý rác thải nông nghiệp thành phân bón; sản xuất đạt tiêu chuẩn 3 không (không sản xuất kinh doanh, thực phẩm không an toàn, không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng xung điện khai thác thủy sản) thu hút đông đảo người dân tham gia”.

a2-moi-truong-ct.jpg
TP. Cần Thơ đang tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn,...góp phần BVMT

Sản xuất gắn với BVMT bền vững

Cũng theo bà Trần Thị Thiên Thư, Hội Nông dân cũng tích cực vận động người dân thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tận dụng những phế phẩm như rơm rạ, trấu, cây màu,...sau thu hoạch để xử lý thành phân bón hoặc làm thức ăn cho trâu, bò, dê. Với cách làm này không chỉ cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ dân mà còn góp phát triển ngành nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Huyện Cờ Đỏ là địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn của TP. Cần Thơ với khoảng 11.000 hecta nên mỗi năm đã phát sinh một lượng lớn phế phẩm như rơm rạ, trấu. Để xử lý lượng phế phẩm này, những năm gần đây người dân đã tăng cường thu gom bán cho thương lái hoặc dùng làm vật liệu xấy lúa, trồng nấm, thức ăn nuôi gia súc. Một số hộ dân còn dùng rơm đắp gốc cho vườn cây ăn trái, rau màu; kết hợp rơm rạ với phân chuồng ủ thành phân bón lót cho cây trồng.

Gia đình ông Đào Mến ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ có 10 công đất trồng lúa, sau mỗi vụ thu hoạch ông cũng có thêm một phần thu nhập từ việc bán rơm. Chia sẻ với phóng viên, ông Mến cho biết: “Khi chuẩn bị thu hoạch lúa, thương lái liên hệ để mua rơm trồng nấm với giá từ 100 đến 140 ngàn/công. Với 10 công đất trồng lúa 2 vụ/năm tôi cũng có thêm thu nhập góp phần cải thiện sinh hoạt gia đình”.

Khoảng 6 năm nay, gia đình ông Nguyễn Thành Hồng ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ đã tận dụng rơm rạ của 6 công lúa sau mỗi vụ thu hoạch để phối trộn với chất thải trong chăn nuôi ủ làm phân hữu cơ bón cho đồng ruộng. Thông qua giải pháp này đã giúp cho gia đình ông Hồng giảm chi phí mua phân bón; đồng thời đất đai luôn màu mỡ, cây trồng phát triển xanh tốt.

Theo các ngành chức năng TP. Cần Thơ, phân bón hữu cơ được tạo ra từ rơm rạ, phân chuồng đã giảm thiểu lượng phân hóa học có hại cho môi trường, giúp đất tơi xốp, cây trồng phát triển tốt hơn. Do vậy, trong thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến nông dân để giúp bà con hiểu rõ hơn về những tác dụng của việc xử lý rơm rạ thành phân bón, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân và BVMT bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ: Tích cực bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO