TP. Cần Thơ: 20 năm đổi thay cùng đất nước
(TN&MT) - Sau 20 năm (2004 - 2024) trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Cần Thơ đã và đang từng bước hiện thực hóa vai trò là trung tâm động lực phát triển, đô thị đáng sống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trung tâm động lực phát triển của vùng
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, TP. Cần Thơ đã tận dụng nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó, tập trung xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn, chất lượng cao, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không kết nối giữa TP. Cần Thơ với các địa phương vùng ĐBSCL, cả nước và quốc tế. Cụ thể có nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Cầu Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Quốc lộ Nam sông Hậu…; đồng thời, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng ngày càng khang trang, hiện đại.
Với sự đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối lan tỏa liên vùng, quốc tế đã góp phần tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ phát triển. Cụ thể, trong giai đoạn 2004 - 2024, tăng trưởng kinh tế hằng năm của TP. Cần Thơ đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL; đồng thời, tính đến cuối năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt gần 120.000 tỷ đồng, cao gấp 10,2 lần so với năm 2004; tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 95 triệu đồng, cao gấp 9,2 lần so với năm 2004; tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 4.088 tỷ đồng năm 2004 lên 43.000 tỷ đồng năm 2023.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết: Qua 20 năm xây dựng và phát triển cùng đất nước, TP. Cần Thơ đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, nắm bắt kịp thời, tận dụng thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, phát huy các nguồn lực xã hội và tăng cường liên kết với các địa phương để xây dựng và phát triển thành phố phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo những dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của vùng ĐBSCL.
Để phát huy vai trò, vị trí và tầm quan trọng của TP. Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL và cả nước, ngày 05/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến ngày 11/01/2022 Quốc hội cũng đã quyết nghị ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, đây là những cơ sở quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp mở đường cho thành phố thực hiện những khâu đột phá, chương trình trọng điểm, giải pháp mới và thu hút các nguồn lực để xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL.
Thành phố bền vững về môi trường
Theo Lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ, cùng với các thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, TP. Cần Thơ cũng đã có những bước tiến vượt bậc trong quá trình phát triển theo định hướng bền vững. Để đáp ứng các tiêu chí của một thành phố bền vững về môi trường trong thời gian qua, TP. Cần Thơ đã bám sát các tiêu chí phát triển bền vững của quốc gia cũng như từng bước tiếp cận các tiêu chí bền vững về môi trường của ASEAN; đồng thời, ban hành các chiến lược, chương trình, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với mục tiêu phát triển bền vững về môi trường.
Cùng với dó, TP. Cần Thơ cũng đã luôn quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững như đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; đồng thời, Thành phố còn mở rộng khả năng bao phủ của hệ thống thu gom nước thải; nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường; khuyến khích, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng; thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, góp phần cải thiện diện mạo, chất lượng môi trường sống ở đô thị, nông thôn.
Với nhiều nỗ lực đó, năm 2021, TP. Cần Thơ vinh dự nhận giải thưởng Thành phố ASEAN bền vững môi trường. Giải thường này càng khẳng định vị thế, vai trò trung tâm, là động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Việc TP. Cần Thơ xây dựng thành công Kế hoạch hành động không khí sạch TP. Cần Thơ đến năm 2025 còn tạo điều kiện thuận lợi để thành phố đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố BreatheLife. Đây là cơ hội để TP. Cần Thơ học hỏi, chia sẻ với các thành phố khác về những giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật, tìm kiếm nguồn lực đầu tư, kết nối các bên liên quan và cộng đồng nhằm góp phần thực hiện giảm thiểu ô nhiễm không khí nói riêng, giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nói chung.
Hiện tại, TP. Cần Thơ đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển TP. Cần Thơ bền vững; tiếp tục thực hiện các công trình, dự án nhằm nâng cao khả năng thích ứng đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; chủ động phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững TP. Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung; tích cực hợp tác, hội nhập, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
"Hiện nay, TP. Cần Thơ đang tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm đi qua địa bàn thành phố như: Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang; dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…, từ đó, tạo động lực mới cho TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới”. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ.