Quảng Bình: Nỗ lực trồng và giao rừng cho cộng đồng thôn bản
(TN&MT) - Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng có 13 xã vùng đệm với 77 thôn bản tham gia vào hoạt động trồng và bảo vệ rừng theo chương trình của Dự án Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.
Đây là những xã có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Bru-Vân Kiều. Theo kết quả quy hoạch, các xã này có 7.600 ha đất trồng rừng và 10.600 ha rừng giao cho cộng đồng bảo đảm các tiêu chí dự án.
Lâu nay, người dân các xã vùng đệm, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu dựa vào rừng, "chặt, đốt, cốt, trỉa". Dẫu nhiều hộ dân đã biết trồng lúa nước, hoa màu, tuy nhiên đời sống còn rất khó khăn.
Trước thực tế đó, xác định việc trồng rừng và giao rừng cho người dân là vấn đề cần thiết, cấp bách, bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Dự án Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu của dự án.
Sau 5 năm thực hiện (từ 2009 đến nay), hiện đã có 2.857 ha được trồng và khoanh nuôi tái sinh trên các dạng lập địa khác nhau, thu hút 1.804 hộ gia đình ở 49 thôn bản tham gia. Việc mở tài khoản tiền gửi cho hộ dân được dự án gấp rút thực hiện sau khi công việc phát băng, đào hố được nghiệm thu phúc kiểm. Tùy theo diện tích từng hộ gia đình, dự án hỗ trợ tiền công trồng rừng thông qua việc mở một tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Các hộ gia đình được rút tiền từ tài khoản tiền gửi sau khi t hoàn thành công việc được dự án nghiệm thu.
Đến nay dự án đã lập 1.804 tài khoản tiền gửi với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Hàng năm, các hộ gia đình rút tiền từ tài khoản đúng quy định của dự án, cùng với việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tạo lòng tin, sự phấn khởi trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh việc thực hiện trồng rừng và giao rừng cho các hộ gia đình, Dự án Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã hết sức nỗ lực trong hoạt động giao đất, giao rừng cho cộng đồng. Đây là hoạt động lần đầu tiên thực hiện trên địa bàn tỉnh do đó dự án đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân ở các thôn bản để họ hiểu, hưởng ứng và tham gia. Nhiều hoạt động tập huấn tại thôn bản được gấp rút hoàn thành như: Xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng, mở tài khoản tiền gửi và quy chế quản lý, các hoạt động lâm sinh áp dụng cho quản lý rừng cộng đồng...
Đến nay, các địa phương giao được 6.310 ha rừng cho 21 cộng đồng. Trong năm 2015 sẽ giao khoảng 690 ha còn lại cho 7 cộng đồng. Dự án cũng đã mở tài khoản tiền gửi cho 19 cộng đồng với tổng số tiền hơn 6,4 tỷ đồng.
Rừng cộng đồng được cấp "thẻ đỏ" và mở tài khoản tiền gửi đã góp phần bảo vệ tốt hơn những khu rừng mà trước đây chưa có chủ quản lý. Điển hình, tại bản Cổ Tràng, UBND huyện Quảng Ninh cấp gần 210ha rừng tự nhiên có trữ lượng gần 33.000m3 gỗ để quản lý, bảo vệ theo mô hình rừng cộng đồng.
Ở thôn Cù Lạc 2, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, anh Nguyễn Hải Doan trưởng thôn phấn khởi chia sẻ: “Từ ngày được Dự án Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ trồng rừng; phối hợp với UBND huyện Bố Trạch cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, bà con trong thôn đã ý thức sâu sắc được vai trò của họ trong việc trồng rừng và bảo vệ rừng. 94 hộ gia đình được trao "sổ đỏ" với tổng diện tích 125,6ha đã sử dụng tốt vào mục đích trồng rừng sản xuất, ổn định đời sống”.
Kết quả đạt được trên là rất quan trọng, nhưng công tác chăm sóc bảo vệ lại càng quan trọng hơn. Phải làm sao để rừng thực sự trở thành rừng có chất lượng tốt trong thời gian tới? Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Ban quản lý Dự án Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng chia sẻ: “Để làm được điều đó, các hộ gia đình phải tuân thủ quy trình kỹ thuật về chăm sóc rừng đã được dự án tập huấn, làm tốt công tác bảo vệ, chống gia súc phá hoại, phòng chống và ngăn ngừa cháy rừng. Các xã, thôn, bản cần có biện pháp để hỗ trợ tích cực trong công tác bảo vệ rừng, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý các vụ việc xâm hại rừng, thực hiện đúng quy chế quy ước thôn bản và quy ước về rừng cộng đồng quản lý"...