Biến đổi khí hậu

Chuyển đổi năng lượng trong nhà máy điện than

Khánh Ly 11/04/2024 - 10:38

(TN&MT) - Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, nhiệt điện than còn chiếm 20% tổng công suất các nguồn điện của cả nước và định hướng đến năm 2050, Việt Nam chấm dứt sử dụng than để phát điện. Trước mắt, nhu cầu cấp bách của các nhà máy điện than đang hoạt động là chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và amoniac.

Dừng hoạt động nếu không chuyển đổi

Về định hướng chung, Việt Nam chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Với các nhà máy đã vận hành được 20 năm, khi giá thành phù hợp sẽ thực hiện chuyển đổi sang nhiên liệu sinh khối và amoniac. Các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu sẽ dừng hoạt động.

anh-1.jpg
Nhà máy nhiệt điện Phả Lại nếu không chuyển đổi sẽ phải dừng hoạt động

Nhìn chung, chi phí đầu tư để chuyển đổi một nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng nhiên liệu sạch rất cao, tùy thuộc vào công nghệ lựa chọn. Các phương án chuyển đổi có chi phí đầu tư thấp hơn thường mang tính khả thi cao hơn nhưng đi kèm là thời gian chuyển đổi kéo dài hơn. Bên cạnh đó, khoảng hơn 100.000 người làm việc trong lĩnh vực khai thác nhiên liệu hóa thạch và số lượng không nhỏ lao động đang làm việc tại các nhà máy nhiệt điện than cũng cần cơ cấu lại. Đây là đối tượng chính bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển dịch năng lượng.

Để đánh giá tính khả thi trong các kịch bản chuyển đổi năng lượng của các nhà máy điện than của Việt Nam, thời gian qua, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Năng lượng Việt Nam đã phối hợp triển khai nghiên cứu chi phí, lợi ích từ quá trình chuyển dịch đối với 3 nhà máy nhiệt điện than lớn: Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong - tương ứng với thời gian hoạt động: 40 năm, 20 năm và 1 năm.

UNDP và Viện Năng lượng Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất khả thi về mặt tài chính cho việc giảm dần năng lượng hóa thạch hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng của các nhà máy. Các chiến lược như đồng đốt sinh khối, chuyển đổi sang điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và tích hợp các nguồn tài nguyên tái tạo đã được đánh giá. Bên cạnh đó, các nhà máy được khuyến khích sử dụng đồng thời các công nghệ tiên tiến như hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) và thu hồi, sử dụng và lưu trữ các-bon (CCUS).

Nhà máy nhiệt điện Phả Lại gồm 2 nhà máy máy nhiệt điện than Phả Lại 1 và Phả Lại 2. Trong đó, Phả Lại 1 với công suất 440MW là nhà máy nhiệt điện lâu đời nhất, đã vận hành gần 40 năm, nằm trong danh mục ngừng hoạt động theo Quyết định 500/QĐ-TTg. Nghiên cứu đã đưa ra khả năng tích hợp công nghệ chuyển đổi phù hợp sang công nghệ sạch hơn như là các tổ máy chạy tua bin khí linh hoạt kết hợp với BESS và điện mặt trời, hoặc BESS kết hợp với điện mặt trời và SynCON.

Trong khi đó, Phả Lại 2, công suất 600MW, vận hành 23 năm cũng được yêu cầu chuyển đổi. Một số lộ trình được xem xét cho Phả Lại 2 bao gồm đồng đốt NH3 hoặc tua bin khí linh hoạt, hoặc BESS kết hợp với tua bin khí linh hoạt và điện mặt trời, hoặc BESS kết hợp tua bin khí và SynCON. Những chiến lược này không chỉ có lợi cho môi trường bằng cách giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính mà còn rất quan trọng để tăng cường an ninh năng lượng và tính bền vững của ngành.

Càng chuyển đổi nhanh càng có lợi thế

Trong trường hợp của nhà máy Cao Ngạn, nhà máy đã vận hành thương mại gần 20 năm nên hầu hết thiết bị đã cũ, hiệu suất thấp, phát thải cao, hiệu quả kinh tế thấp. Các chuyên gia nhận định, nếu không chuyển đổi sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, vị trí của nhà máy nằm ở trung tâm TP. Thái Nguyên nên các yêu cầu về xử lý chất thải sẽ càng ngày càng khắt khe hơn.

Nghiên cứu nhấn mạnh đến khả năng tích hợp của nhà máy với các nguồn năng lượng tái tạo. Tiềm năng nhất là kết hợp năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào hệ thống phát điện hiện có, tăng cường thêm các công nghệ lưu trữ pin năng lượng và thu hồi các-bon tiên tiến. Cách tiếp cận này có thể là một mô hình để cân bằng giữa sản xuất năng lượng với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Thái Nguyên nằm trong khu vực trung du miền núi phía Bắc với nguồn sinh khối phong phú nên có thể cân nhắc phương án đồng đốt sinh khối. Với phương án này, cần phát triển nguồn sinh khối ổn định từ các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Bắc Giang, Lạng Sơn.

Trường hợp Nhà máy nhiệt điện than BOT Vân Phong 1 là nhà máy mới và lớn nhất, có vị trí thuận lợi cho việc tích hợp điện mặt trời, đồng đốt sinh khối. Nghiên cứu phân tích sâu vào các phương án chuyển đổi khác nhau, bao gồm việc tiên phong sử dụng năng lượng hạt nhân quy mô nhỏ và tái sử dụng nhà máy để phù hợp với các công nghệ mới nổi. Vị trí nhà máy nằm gần hồ chứa dầu Phú Khánh, có thể sử dụng làm nơi lưu trữ CO2. Các biện pháp mang tính chuyển đổi này phù hợp với mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam và hứa hẹn tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế địa phương cũng như thúc đẩy đổi mới công nghệ. Tuy nhiên với bất kỳ giải pháp nào được đề xuất, các vấn đề pháp lý sẽ phát sinh liên quan đến hợp đồng BOT cần phải được đàm phán lại.

Theo bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam, việc loại bỏ dần điện than là điều nhất định phải làm chứ không phải một lựa chọn. Điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam giảm lượng phát thải các-bon và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, người hưởng lợi bao gồm cả những người lao động đang làm việc trong các nhà máy nhiệt điện than.

“Một số lượng lớn công nhân lao động trực tiếp hoặc gián tiếp trong các hoạt động khai thác than, vận tải và sản xuất điện, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, có thể bị ảnh hưởng bởi việc ngừng sử dụng than. Điều quan trọng là phải cung cấp các hỗ trợ về đào tạo lại và tái đào tạo kỹ năng cho những người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng, đồng thời cần thiết để đảm bảo sự tham gia của họ và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi này,” bà Ramla Khalidi nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi năng lượng trong nhà máy điện than
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO