Du lịch

Du lịch thích ứng biến đổi khí hậu vừa là mục tiêu vừa là xu hướng trong tương lai

Thanh Tùng 12/06/2024 - 15:29

Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý, Quảng Bình là một trong những địa phương được đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Tuy nhiên, mảnh đất Quảng Bình hàng năm hứng chịu nhiều thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có ngành du lịch. Do đó, phát triển du lịch thích ứng thời tiết, gắn với biến đổi khí hậu vừa là mục tiêu vừa là xu hướng du lịch của tỉnh trong tương lai.

Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình.

PV: Thưa ông, xin cho biết một số kết quả nổi bật của du lịch Quảng Bình trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024?

Ông Nguyễn Ngọc Quý:

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, với sự triển khai quyết liệt, đồng bộ của các giải pháp phục hồi và tăng trưởng, ngành du lịch Quảng Bình đã từng bước khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

11.jpeg
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý phát biểu tại một hội nghị về du lịch

Trong năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách nội địa đạt gần 4,4 triệu lượt khách, gấp 2,11 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế đạt gần 120.000 lượt khách, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 5.000 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình dự ước đạt khoảng 1.372.337 lượt khách, tăng 37,4% so với cùng kỳ, trong đó, khách nội địa dự ước đạt 1.313.215 lượt khách, tăng 35,94% so với cùng kỳ, khách quốc tế dự ước đạt 59.122 lượt khách, tăng 80,17% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch ước đạt 1.578,188 tỷ đồng, tăng 73,7% so với cùng kỳ.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tổ chức quy mô, đầu tư về nội dung, đi vào chiều sâu, chuyên biệt hóa cho từng phân khúc thị trường và mang lại hiệu quả cao. Các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước được triển khai thường xuyên. Việc phát triển nhiều sản phẩm, loại hình du lịch và không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch đã góp phần quan trọng vào việc thu hút du khách, đặc biệt bước đầu đã hình thành một số sản phẩm du lịch góp phần khắc phục tính mùa vụ trong phát triển du lịch của tỉnh như Khu nghỉ dưỡng Onsen Bang, Làng du lịch Tân Hóa - Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2023...

Du lịch Quảng Bình tiếp tục nhận được sự đánh giá cao của khách du lịch và các tạp chí uy tín trong nước, quốc tế trong năm 2023 như Lonely Planet (Mỹ), The Travel (Canada), Wanderlust (Anh), Booking.com, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. Đặc biệt, vào ngày 19/10/2023, xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá là đại diện Việt Nam duy nhất đã được tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất” năm 2023 trong danh sách 260 làng đến từ 60 quốc gia tham gia dự giải. Vừa qua, Phong Nha được bầu chọn là điểm đến xếp thứ 2 trong số 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024 (sau Hội An) do nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Booking.com công bố trong khuôn khổ giải thưởng Traveller Review Awards lần thứ 12. Hang Sơn Đòng được Tạp chí du lịch Travel + Leisure (Mỹ) vinh danh trong danh sách 11 hang động được ví như những chuyến phiêu lưu siêu thực trên thế giới và Tạp chí du lịch Time Out (Vương quốc Anh) bình chọn là một trong 10 hang động đẹp nhất thế giới 2024.

99.jpg
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý tặng hoa chúc mừng vị khách đầu tiên đến với Phong Nha - Kẻ Bàng năm 2024. Ảnh: Tâm Đức

PV: Phát triển kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đang là một yêu cầu quan trọng của thực tiễn. Với Quảng Bình, cách làm du lịch của người dân xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) được coi là một sáng tạo rất đáng chú ý. Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế du lịch thích ứng biến đổi khí hậu đối với Quảng Bình nói chung và cách làm du lịch của Tân Hóa nói riêng, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quý:

Quảng Bình là một trong những địa phương được đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Tuy nhiên, mảnh đất Quảng Bình hàng năm hứng chịu nhiều thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có ngành du lịch. Từ trong gian khó, du lịch Quảng Bình từng bước nỗ lực, khắc phục khó khăn để đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo tôi, du lịch thích ứng thời tiết, gắn với biến đổi khí hậu vừa là mục tiêu vừa là xu hướng du lịch trong tương lai, để thay đổi khó khăn, hạn chế trở thành những điều khác biệt và đặc biệt, Làng du lịch Tân Hóa có thể là một minh chứng như thế.

1-8-.jpg
Làng du lịch Tân Hoá, huyện Minh Hoá

Tân Hóa từ vùng “rốn lũ” trở thành Làng du lịch tốt nhất thế giới được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh năm 2023. Đến với mảnh đất này để có những trải nghiệm thú vị, khác biệt với mô hình làng du lịch thích ứng thời tiết, lưu trú tại các homestay “nhà nổi”, khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge; khám phá cảnh đẹp hoang sơ của một làng quê yên bình; trải nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá hệ thống hang động Tú Làn - hang Tiên”; “Trải nghiệm lái xe địa hình (ATV) khám phá cảnh quan, thiên nhiên tại rừng Lim, thôn 4, xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá”.

Việc đưa mô hình du lịch thích ứng thời tiết và các sản phẩm du lịch vào khai thác, phục vụ khách du lịch là kết quả bước đầu cho sự nỗ lực, kiên trì, xây dựng và phát triển du lịch theo hướng bền vững trong suốt thời gian qua của ngành du lịch tỉnh Quảng Bình nói chung và tại Tân Hóa nói riêng. Phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu, điểm đến cuối cùng mà còn là một hành trình đòi hỏi quá trình nghiên cứu, định hướng, triển khai lâu dài và đồng bộ để đạt được những kết quả khác biệt.

PV: Sự tham gia của doanh nghiệp có vai trò thế nào trong việc phát triển kinh tế du lịch thích ứng biến đổi khí hậu tại Quảng Bình, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quý:

Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển du lịch ở các quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam. Những kết quả khả quan của du lịch Quảng Bình thời gian qua là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng hành của nhân dân.

8.jpg
Các homestay “nhà nổi” cho khách du lịch lưu trú là một sáng tạo tại Tân Hoá mang dấu ấn của doanh nghiệp Oxalis. Ảnh: Thanh Tùng

Quy mô của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao nhưng với tinh thần nhiệt huyết, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xây dựng, phát triển các sản phẩm, dự án du lịch mới, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến của tỉnh.

Đến nay, nhiều sản phẩm du lịch đã trở thành thương hiệu của tỉnh, được sự đánh giá cao của các tạp chí, du khách trong và ngoài nước như “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới”, “Hang Va, hang Nước Nứt - những trải nghiệm khác biệt”, “Khám phá hang Đại Ả - hang Over - hang Pigmy”, “Động Phong Nha - động Tiên Sơn”… và gần đây là mô hình du lịch thích ứng thời tiết tại Tân Hóa với sự tham gia tích cực của công ty TNHH MTV Chua Me Đất, Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng Bang Onsen của Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh đã đưa vào hoạt động, phục vụ du khách, góp phần giảm tính thời vụ của du lịch, gắn với biến đổi khí hậu, thay đổi thời tiết.

Đó là kết quả của một quá trình để từng bước thay đổi khó khăn trở thành lợi thế, là tinh thần cần cù, chịu khó, đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp du lịch tỉnh.

9.jpg
Khung cảnh rất đẹp tại làng du lịch Tân Hoá

PV: Thưa ông, để ngành du lịch Quảng Bình tiếp tục phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là cách làm du lịch thích ứng biến đổi khí hậu, Sở Du lịch Quảng Bình sẽ đề xuất những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Ngọc Quý:

Những kết quả nêu trên là tín hiệu mừng vui cho ngành du lịch tỉnh sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, thử thách như tính mùa vụ của du lịch, tác động của biến đổi khí hậu...

Để góp phần phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới, là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Du lịch đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về truyền thông vai trò của ngành du lịch, du lịch có trách nhiệm, phát triển du lịch theo hướng bền vững; phối hợp các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

6.jpg
Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm du lịch thu hút khách lớn nhất tại Quảng Bình

Đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, xây dựng và phát triển các mô hình, sản phẩm du lịch mới phù hợp tiềm năng, lợi thế đặc trưng, trong đó chú trọng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch thích ứng thời tiết, du lịch Net Zero...; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số; tăng cường sự phối hợp với các sở ban, ngành trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch thích ứng biến đổi khí hậu vừa là mục tiêu vừa là xu hướng trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO