Hà Giang phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh góp phần xóa đói, giảm nghèo, trong đó bảo vệ môi trường được xem là nhân tố thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái tại các điểm du lịch và đạt nhiều kết quả tích cực.
Du lịch là chìa khóa giảm nghèo trên vùng đất khó
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có trên 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số, như Mông, Tày, Nùng, Dao,… Mỗi dân tộc mang một nét văn hóa đặc trưng, tạo điều kiện hình thành những làng văn hóa du lịch cộng đồng độc đáo.
Việc phát triển các loại hình du lịch cộng đồng tại vùng dân tộc thiểu số không những giúp Hà Giang bảo tồn các nét văn hóa và các làng nghề truyền thống của đồng bào, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương khi bán vé cho du khách thưởng thức các lễ hội truyền thống và các sản phẩm làng nghề.
Hệ thống 36 làng văn hóa du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Pan Hou (Hoàng Su Phì); Thôn Tha (Vị Xuyên), thôn Tiến Thắng (thành phố Hà Giang); Nậm An (Bắc Quang); thôn Chang (Quang Bình); Lũng Cẩm Trên, Lô Lô Chải (Đồng Văn)...
Tiềm năng của loại hình du lịch này được khơi dậy bằng các giải pháp đồng bộ, như việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm của các làng nghề truyền thống; khôi phục các lễ hội nông nghiệp truyền thống; phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường các hoạt động trải nghiệm “Ba cùng” của du khách với người dân địa phương (cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia trải nghiệm trong các làng nghề truyền thống); tập huấn cho người dân về kỹ năng chế biến thực phẩm an toàn, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh và giao tiếp với khách nước ngoài…
Bên cạnh hệ thống 36 làng văn hóa du lịch cộng đồng, tỉnh Hà Giang cũng tập trung phát triển 4 trung tâm du lịch, bao gồm: Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử Đồng Văn; Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm Mèo Vạc; Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh Yên Minh; Trung tâm du lịch vui chơi giải trí cao cấp Quản Bạ. Đồng thời, hình thành 5 phân khu du lịch chính là du lịch công viên văn hóa thanh niên xung phong Mèo Vạc; du lịch thể thao mạo hiểm Mã Pì Lèng; du lịch lòng hồ thủy điện Thái An; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Quản Bạ; du lịch sinh thái Nặm Đăm.
Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh Hà Giang tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, như cải tạo và nâng cấp các tuyến quốc lộ 4C (Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc), quốc lộ 279 đoạn Bắc Quang - Quang Bình tới giáp ranh tỉnh Lào Cai, xây mới hai khách sạn quy mô 4 sao...Đây là những nỗ lực nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch của Hà Giang, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia.
Khai thác du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Ông Đinh Ngọc Thành, Phó phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện nay, Hà Giang có 79 điểm du lịch đang khai thác, 57 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (28 di tích Quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh). 831 cơ sở lưu trú, 287 nhà hàng, trong đó có 9 nhà hàng được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Chính vì vậy, việc khai thác hoạt động du lịch trong những năm qua luôn tuân thủ các quy định của Luật Du lịch về bảo vệ môi trường, tập trung thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh luôn tăng cường kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, thanh tra việc thực hiện việc nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Ngoài tuyên truyền cho người dân, Sở còn xây dựng chính sách, quy chế về bảo vệ môi trường du lịch gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Hà Giang góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Khoanh định và có cơ chế quản lý nhằm giảm thiểu và xử lý các tác động có tác hại đến môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng hệ thống nội quy, biển, bảng hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tổ chức các cuộc vận động, phong trào bảo vệ môi trường, trồng cây xanh tại các điểm du lịch.
Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý và khắc phục các hậu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học do tác động của hoạt động du lịch. Phối hợp với các cơ quan liên quan đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Các ngành liên quan đã phối hợp với các địa phương tổ chức lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại các khu, điểm du lịch ngày càng tốt hơn, môi trường tại các khu, điểm du lịch cơ bản được giữ gìn sạch, đẹp, lượng du khách ghé thăm ngày càng nhiều.
Giải pháp để phát triển du lịch bền vững
Từ những thành công nhất định trong phát triển du lịch, thời gian tới UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục đặt ra mục tiêu huy động mọi nguồn lực, triển khai các quy hoạch phát triển du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế sẵn có; đa dạng hoá các loại hình, tạo sản phẩm chủ lực có tính đặc thù, chất lượng và cạnh tranh cao. Tăng cường công tác hợp tác, đối ngoại giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch trong nước và quốc tế. Tổ chức có hiệu quả các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh.
Cùng với đó, ngành du lịch Hà Giang phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể như: Tổng số du khách đến Hà Giang đạt 2,5 triệu lượt người; khu điểm du lịch: 11 điểm; làng văn hóa du lịch tiêu biểu: 16 làng.
Để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường du lịch. Theo đó, Sở tiếp tục tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở lưu trú du lịch, du khách tham quan, khu vực tổ chức lễ hội; đầu tư, nâng cấp các nhà vệ sinh đạt chuẩn; bổ sung hệ thống thùng rác và biển chỉ dẫn bảo vệ môi trường nơi công cộng; xử lý nghiêm, triệt để các hành vi gây ô nhiễm môi trường; tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức bảo vệ môi trường cho các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn và người dân địa phương.