Nguồn nước đang bị cạn kiệt, ô nhiễm
Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn khiến cho tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trở nên nghiêm trọng tại hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Do thiếu nước, hàng ngàn hecta lúa của người dân ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang đang phải đối diện với nguy cơ bị mất trắng và hàng chục ngàn hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước phục vụ cho các sinh hoạt hàng ngày.
Trước thực tế này cho thấy, ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu, lưu lượng nước từ sông Mê Công đổ về vùng ĐBSCL giảm thì còn có những nguyên nhân xuất phát từ nội tại của vùng ĐBSCL như: khai thác nước dưới đất quá mức, phát triển các khu công nghiệp, đô thị đã và đang làm cho nguồn nước mặt, nước dưới đất bị cạn kiệt, ô nhiễm.
Theo thống kê từ ngành chức năng tỉnh Cà Mau, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 138.000 giếng khoan, khối lượng nước dưới đất được khai thác mỗi ngày đêm khoảng 400.000m3. Do khai thác, sử dụng nước dưới đất chưa hợp lý đang là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng suy thoái nguồn tài nguyên này trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng nghiêm trọng.
Thông tin với phóng viên, ông Ung Văn Đẳng, Phó trưởng Phòng Khoáng sản - Khí tượng thủy văn, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện địa phương này có tổng cộng 107.206 giếng, mật độ công trình khai thác nước dưới đất so với diện tích của toàn tỉnh trung bình là 32 giếng/km2. Toàn tỉnh Sóc Trăng có gần 182.000 hộ dân sử dụng nước dưới đất với tổng lượng nước dưới đất được khai thác 338.148m3/ngày đêm.
Cũng theo ông Đẳng, nhiều người dân địa phương khai thác nước dưới đất phục vụ sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản làm cho tầng nước dưới đất đang bị hạ thấp theo từng năm; nguồn nước dưới đất ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng bị ô nhiễm, nhiễm mặn”.
Đối với nguồn nước mặt vùng ĐBSCL cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại các sông, rạch ở TP. Cần Thơ cũng như các địa phương khác vùng ĐBSCL là do hoạt động của các khu công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, phát triển đô thị, sinh hoạt của người dân.
Chủ động quản lý, sử dụng nguồn nước
Ông Lương Hồng Tân, Phó trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: “TP. Cần Thơ đang gấp rút triển khai các dự án quy hoạch tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, hiệu quả. Đồng thời, công tác cấp phép khai thác nước mặt, nước ngầm và xả thải vào nguồn tiếp nhận được TP. Cần Thơ thực hiện đúng quy định của pháp luật”.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, các dự án quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; dự án quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035;… đang được tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện.
Theo ông Ung Văn Đẳng, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất đang được các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng thực hiện nhằm xác định cụ thể trữ lượng, chất lượng của từng tầng chứa nước để phục vụ công tác quản lý, cấp phép khai thác sử dụng một cách hiệu quả.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước của các địa phương, người dân vùng ĐBSCL đã và đang nêu cao trách nhiệm của mình trong việc sử dụng nguồn nước bằng việc tích trữ nước, thay đổi mô hình sản xuất, trồng những loại cây chịu đựng được với hạn, mặn.