Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Kon Tum: Chính sách hợp lòng dân

Bài và ảnh: Quế Mai| 30/08/2019 15:56

(TN&MT) - Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), diện tích rừng được bảo vệ ngày càng nâng lên, đời sống của hàng ngàn hộ dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương được cải thiện rõ rệt. Chính sách này đã và đang được người dân đón nhận, ủng hộ và làm theo.

Rừng được bảo vệ

Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 360.000 ha rừng cung ứng DVMTR được Nhà nước giao cho 22 đơn vị, tổ chức; 74 UBND xã, thị trấn và gần 3.600 hộ gia đình, 34 cộng đồng dân cư thôn bảo vệ. Theo đó, số tiền chi trả DVMTR mà mỗi chủ rừng được hưởng phụ thuộc vào diện tích rừng và chất lượng rừng được giao khoán bảo vệ.

Triển khai chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thường xuyên tổ chức các Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR; quản lý bảo vệ rừng và hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả thông qua các mô hình phát triển sinh kế.

anh-2.-ba-con.jpg

Bà con được cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tập huấn, hướng dẫn sử dụng tiền DVMTR để phát triển sinh kế

“Việc tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR, cùng với tập huấn cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn cách quản lý, sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế đã đưa chính sách chi trả DVMTR tại Kon Tum đi vào cuộc sống của người dân và phát huy những hiệu quả tích cực của nó trong quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương”, ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum khẳng định.

Gần 10 năm nay, sau khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai tại tỉnh Kon Tum, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Từ đó, hạn chế được tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép; góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới.

Cải thiện đời sống người dân

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, từ chính sách chi trả DVMTR, năm 2017, thu nhập trung bình của một hộ gia đình, cá nhân là 5.186.000 đồng, thu nhập trung bình của một cộng đồng dân cư thôn là 53.936.000 đồng. Năm 2018, thu nhập trung bình của một hộ gia đình, cá nhân là 8.789.373 đồng, thu nhập trung bình của một cộng đồng dân cư thôn là 88.389.000 đồng. Những con số này cho thấy, chính sách chi trả DVMTR đang giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập hằng năm, cũng đồng nghĩa với việc diện tích rừng giao khoán được bà con bảo vệ ngày càng tốt hơn.

anh-1.-chinh-sach.jpg

Nhờ chính sách chi trả DVMTR, công tác tuần tra, kiểm soát rừng được thực hiện thường xuyên, diện tích rừng được bảo vệ ngày càng tăng lên

Mặt khác, việc lồng ghép giữa tuyên truyền chính sách và giới thiệu mô hình phát triển sinh kế được bà con quan tâm lắng nghe. Qua mỗi buổi truyền thông, bà con được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để tìm được cho mình một mô hình phát triển sinh kế phù hợp, sử dụng nguồn tiền DVMTR một cách hiệu quả.

Anh A Thiêm (thôn Đăk Giá I, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ: “Nhờ được cán bộ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum giới thiệu các mô hình phát triển sinh kế, mà gia đình tôi đã biết sử dụng nguồn tiền chi trả DVMTR để đầu tư trồng cà phê, nuôi vịt, nuôi dê. Kinh tế gia đình từ đó đã khá hơn nhiều, mua sắm được đồ dùng gia đình, con cái được học hành đầy đủ”.

Gia đình bà Y Lan (làng Lút, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy) nhận bảo vệ 7,05ha rừng, mỗi năm nhận được trên 3,2 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Tuy số tiền không nhiều, nhưng nhờ nhanh nhạy và được cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum hướng dẫn, bà Lan đã mạnh dạn đầu tư trồng mì trên toàn bộ đất rẫy. Đến kỳ thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà Lan thu lợi trên 17 triệu đồng mỗi năm.

Thực tế cho thấy, chính sách chi trả DVMTR đã giúp hàng ngàn hộ dân, đặc biệt là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum có nguồn thu nhập ổn định từ việc làm nghề rừng. Từ đó, bà con thêm yêu rừng, thêm gắn bó với rừng và ra sức bảo vệ rừng để được hưởng lợi nhiều nhất từ rừng. Đến nay, bà con đã hiểu được chính sách, chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống của bà con và được bà con ủng hộ, làm theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Kon Tum: Chính sách hợp lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO