Điện Biên: Rừng được bảo vệ người dân hưởng lợi
(TN&MT) - Những năm qua, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, đặc biệt trong đó có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân; chỉ có giữ rừng tốt, mới được thụ hưởng những giá trị từ rừng đem lại.
Tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được nâng lên rõ rệt; không còn tình trạng để xảy ra cháy rừng, chặt phá, lấn chiếm rừng làm nương rẫy. Rừng đã có chủ; người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định từ chính những mảnh rừng của gia đình mình.
Toàn huyện hiện có hơn 12.600ha rừng được chi trả DVMTR, với số tiền chi trả trung bình mỗi năm gần 5 tỷ đồng. Nhờ Nhà nước nâng mức chi trả, cộng với sự nỗ lực của địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, giao khoán rừng nên những cánh rừng ở Mường Ảng ngày càng thêm xanh.
Là một trong những xã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng thấy được lợi ích mà rừng đem lại xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng thường xuyên vận động nhân dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phát triển diện tích đất rừng.
Ông Lường Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, cho biết: Toàn xã có hơn 1.400ha rừng được chi trả DVMTR, trung bình mỗi năm, xã được nhận hơn 400 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được chi trả trực tiếp cho các chủ rừng, phần lớn là cộng đồng các bản.Hàng năm, mỗi bản đều trích một số tiền nhất định phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng; trách nhiệm giữ rừng của người dân nói chung, các tổ, đội bảo vệ rừng nói riêng được nâng lên, đặc biệt là trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thời gian qua, nhờ bảo vệ rừng, người dân có thêm nguồn thu từ chỉ trả dịch vụ môi trường rừng. Vì vậy, bà con bản Trống Giống A, B xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, chủ động trồng chăm sóc và bảo vệ rừng.
Ông Hạ A Ly, Trưởng bản Trống Giông B, cho biết: Từ ngày nhận giao quản lý bảo vệ rừng, bà con trong bản đều có ý thức bảo vệ, chăm sóc rừng. Đều đặn hàng tháng, các hộ trong nhóm cắt cử nhau đi sâu vào rừng kiểm tra, nắm bắt tình hình trong diện tích rừng giao bảo vệ. Nếu phát hiện có người vào rừng chặt phá cây, săn bắt động vật hoang dã, hay phát hiện cây to bị đổ, sẽ báo cho lực lượng Kiểm lâm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cùng với đó, từ khi được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày một nâng cao; nhân dân tích cực tham gia tuần tra rừng, không chặt phá rừng bừa bãi, ý thức bảo vệ rừng của người dân trong bản lại càng được nâng cao. Bảo vệ rừng tốt, người dân còn được lợi rất nhiều. Để bảo vệ tốt những cánh rừng, bà con trong bản thống nhất đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước; hằng năm đều tổ chức cho các hộ ký cam kết bảo vệ rừng; bản cũng đã thành lập Tổ Quản lý bảo vệ rừng với 15 thành viên.
Ngoài ra, từ số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mà cộng đồng 2 bản được nhận, sẽ trích lại một phần để phục vụ cho công tác bảo vệ và PCCCR, một phần để mua sắm cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động chung của bản, còn lại để hỗ trợ lực lượng tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ vậy, nhiều năm nay trong bản đã không còn tình trạng chặt phá rừng làm nương. Bình quân hằng năm cộng đồng 2 bản Trống Giông A, B được chi trả gần 90 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn động viên, khích lệ bà con nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng.
Chính sách chi trả DVMTR được thực hiện hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ, phát triển rừng mà còn tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân thông qua việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Chi trả DVMTR thực sự là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xã hội hóa nghề rừng, nâng cao giá trị gia tăng của rừng.