Lai Châu:Tạo động lực để người dân vùng cao bảo vệ rừng
(TN&MT) - Những năm qua, nhờ đẩy mạnh bảo vệ, phát triển rừng đã giúp người dân các xã vùng cao Lai Châu tạo sinh kế, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó từng bước nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, Lai Châu có trên 95% dân số là đồng bào La Hủ. Tuy nhiên, tỷ lệ che phủ rừng ở xã chiếm gần 70%, trong đó chủ yếu là rừng già nguyên sinh. Được chi trả tiền DVMTR, người dân ở biên giới xã Pa Ủ nâng cao nhận thức gìn giữ, phát triển rừng cùng với phát triển kinh tế gia đình.
Có tỷ lệ che phủ rừng lớn là tiềm năng, lợi thế lớn để xã định hướng nhân dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu từ rừng. Cùng với phát triển các loại cây trồng, từ nguồn chi trả DVMTR rừng khoảng 30 triệu đồng/hộ/năm, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tái sản xuất, trồng và nuôi các cây, con ngắn ngày để nâng cao thu nhập.
Khi người dân nhận được chính sách chi trả môi trường rừng đã thay đổi nhận thức, suy nghĩ để nâng cao kinh tế gia đình. Trong đó tập trung vào mua cây, con giống để phát triển kinh tế của gia đình. Trách nhiệm của bà con đã được nâng cao trong bảo vệ, phát triển rừng, từ đó hầu như các bản thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng và không còn chặt phá rừng.
Tại xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có 5 bản, với hơn 352 hộ, 3187 nhân khẩu, người dân trong xã chủ yếu là người dân tộc Mông và Khơ Mú. Xác định được vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng, UBND xã Nậm Manh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, giá trị của rừng và những nguồn lợi từ rừng mang lại.
Bà Hảng Thị Mỷ, Chủ tịch UBND xã Nậm Manh, cho biết: Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho nhân dân thấy rõ về lợi ích của bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng để hưởng thu nhập từ rừng cho nên bà con có ý thức tham gia bảo vệ rừng. Mỗi năm nhân dân trong xã được nhận trên 1,2 tỷ đồng tiền DVMTR.
Qua đó ý thức bảo vệ rừng của người dân ngày càng được nâng lên. Tại các cuộc họp bản người dân được tuyên truyền, tổ chức ký cam kết, đưa vào quy ước, hương ước về việc bảo vệ rừng, để hàng năm hưởng chính sách DVMTR, người dân trên địa bàn nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trồng rừng, giải quyết việc làm, giúp nâng cao thu nhập.
Hiện nay, toàn xã có 5 tổ bảo vệ rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi chặt phá, xâm hại diện tích rừng cấm khai thác. Vào đầu mùa khô hanh hàng năm, các tổ đội xung kích phòng cháy, chữa cháy được huyện, xã, bản kiện toàn, củng cố và chủ động bám nắm địa bàn. Nên tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng đã giảm hẳn, hiện nay tỷ lệ che phủ rừng của xã là 66,5%.
Đối với số tiền được chi trả từ DVMTR, xã cũng đã tuyên truyền hướng dẫn nhân dân sử dụng hợp lý ngoài việc đóng góp xây dựng chung của bản, người dân đã có kế hoạch sử dụng mua giống vật nuôi cây trồng hoặc phục vụ sinh hoạt gia đình chăm lo cho con cái học hành. Thông qua chính sách dịch vụ môi trường rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chăm sóc, bảo vệ rừng và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ hết sức cần thiết và quan trọng. Rừng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, trong đó có nguồn thu đáng kể từ chính sách chi trả DVMTR. Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đã không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với công tác bảo vệ rừng.