Từ những con số…
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đầu năm nay cũng đã tạo ra một kỷ lục mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016 cho thấy, sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.
Gần đây nhất (25/4), dông lốc đã khiến 5 người chết, 10.330 ngôi nhà nhà bị tốc mái, hư hỏng. Tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên. Khoảng 919 ha lúa bị đổ gãy; 2.710 ha hoa màu bị đổ, dập nát; 652 ha cây ăn quả bị hư hỏng; 32 công trình phụ, hội trường, nhà văn hóa bị hư hại. Ước tính tổng thiệt hại 130,6 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2020 là năm được mùa của nước ta, trong điều kiện thời tiết khí hậu biến đổi gay gắt, do công tác dự báo sớm, Việt Nam đã chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Việt Nam năm nay khả năng sẽ đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực. Tự do lưu thông xuất khẩu lương thực, được mùa được giá để giải quyết đời sống cho người nông dân.
Trong thời gian qua, nhờ công tác dự báo sớm, thông tin sớm, nên công tác phòng chống thiên tai của Việt Nam chủ động hơn. Đặc biệt là trong công tác phòng chống thiệt hại của hạn mặn tại ĐBSCL, nhờ dự báo sớm, nên mặc dù năm 2020 là năm hạn mặn lịch sử, nhưng Việt Nam đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Đến tầm nhìn dài hạn
Cũng theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, liên tục các đợt dông lốc, mưa đá trên diện rộng, thời tiết cuối tháng tư giảm bất thường..., là những hình thái thiên tai bất thường, nguy hiểm báo hiệu thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Để ứng phó một cách có hiệu quả với diễn biến phức tạp của thời tiết đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của từng người dân.
Trước mắt, cần nhanh chóng huy động mọi nguồn lực để giảm thiểu những thiệt hại do xâm nhập mặn và hạn hán gây ra; không để người dân ở các khu vực này bị thiếu đói do sự khắc nghiệt của thời tiết. Tại những vùng xâm nhập mặn, cần tiếp tục khai thác các công trình thủy lợi, hướng dẫn người dân be bờ, ngăn luồng lạch không cho nước biển tràn vào; tiến hành bơm tiếp nước ngọt để làm giảm độ mặn, cứu lấy những diện tích lúa bị nhiễm mặn cường độ nhẹ. Đồng thời, tích cực theo dõi diễn biến xâm nhập mặn để hướng dẫn người dân sớm gieo trồng những diện tích lúa bị chết sau khi xuống giống.
Tại những khu vực bị hạn hán, cần có giải pháp sử dụng hợp lý lượng nước đã tích trong các hồ chứa. Có thể nghiên cứu, khoan hạn chế một số giếng nước ngầm để giải quyết nhu cầu nước ngọt. Tuy vậy, cần chú ý quản lý lượng giếng nước ngầm, tránh tình trạng ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên nước ngầm. Các cấp chính quyền cũng cần tính toán phương án bảo đảm nguồn nước, để diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi; thực hiện chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại những nơi có nguy cơ thiếu nước. Ở những vùng không đủ nước tưới cho lúa nhưng vẫn bảo đảm cho rau màu ngắn ngày hoặc khai thác được nguồn nước ngầm bổ sung, nước hồ, đập, cần nhanh chóng chuyển đổi sang gieo trồng cây bắp, rau đậu và những loại cây trồng không đòi hỏi nhu cầu nhiều về nước tưới.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng phát triển những giống cây trồng có năng lực chịu phèn, chịu hạn tốt; chú trọng sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả...
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; Trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.