Những năm qua, nơi đây tập trung phát triển tốt mô hình tôm - rừng sinh thái, đãgóp phần vào việc bảo vệ môi trường, đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân.
Lợi ích kinh tế cao
Huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) có diện tích mặt nước, rừng che phủ rất thuận lợi cho việc nuôi tôm sinh thái. Nhìn chung, mỗi hộ nuôi tôm với diện tích mặt nước từ 4 - 5ha thì trung bình mỗi năm thu nhập từ tôm nuôi ít nhất trên 100 - 200 triệu đồng. Đó là chưa kể đến việc thu nhập từ các loài thủy sản khác.
Anh Trần Văn Đức, 42 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) cho biết, gia đình anh có 6ha diện tích nuôi tôm sinh thái, trung bình mỗi năm mang về lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Anh Đức cho rằng, nuôi tôm sinh thái là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;góp phần hình thành vùng sản xuất nuôi tôm an toàn, cung cấp tôm sạch để phục vụ xuất khẩu.
Anh Đức thật sự đánh giá cao hiệu quả của mô hình này. Bởi theo anh, việc nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ít tốn chi phí; do hình thức nuôi không sử dụng thức ăn, tôm phát triển tự nhiên dưới tán rừng và tận dụng thức ăn có sẵn từ hệ sinh thái rừng tạo ra; tôm khỏe mạnh, sạch bệnh, đạt yêu cầu về chuẩn chất lượng…
Theo ông Lý Hoàng Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, mô hình tôm – rừng sinh thái hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu, sản lượng thủy sản ổn định.Nuôi tôm sinh thái không tốn thức ăn, công chăm sóc như tôm công nghiệp, nhưng năng suất lại tương đối cao.
Cà Mau là tỉnh nằm ở cực nam của tổ quốc, với chiều dài bờ biển 254km; có diện tích rừng ngập mặn rộng, gần 57.000 ha, chiếm 35,7% diện tích rừng ngập mặn cả nước. Nuôi tôm là ngành kinh tế chủ lực của địa phương này, với các hình thức nuôi rất đa dạng như: chuyên tôm, luân canh tôm – lúa, xen canh tôm – rừng...
“Đến nay, huyện Ngọc Hiển đã phát triển được gần 10.000ha nuôi sinh thái. Theo kế hoạch, đến năm 2020, mỗi năm, huyện Ngọc Hiển phấn đấu thu hoạch trên 40.000 tấn tôm sinh thái. Với đà phát triển, địa phương sẽ gắng vực dậy nền kinh tế và phấn đấu trở thành khu vực trung tâm về cung cấp tôm nguyên liệu chất lượng cao cho tỉnh Cà Mau để xuất khẩu, vươn xa ra thế giới”, ông Tiến nhấn mạnh.
Đẩy mạnh chiến lược phát triển
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chia sẻ, những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã chú trọng đến việc nuôi tôm rừng đạt chứng nhận quốc tế cho 19.000 ha với hơn 4.200 hộ dân được chứng nhận. Các tổ chức quốc tế đã tích cực hỗ trợ cho Cà Mau trong việc thực hiện các chính sách phát triển, bảo vệ rừng trước vấn đề biến đổi khí hậu. Vấn đề này đã được các doanh nghiệp, sở, ngành địa phương đồng tình hưởng ứng.
Theo ông Lê Văn Sử, tỉnh Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, có truyền thống nuôi tôm rừng lâu nhất và hiệu quả nhất. Đó là tiềm năng to lớn để phát triển sản xuất tôm sinh thái. Hiện nay, việc phát triển bền vững ngành tôm của tỉnh, trong đó, có tôm - rừng đang là chiến lược của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho địa phương.
Cụ thể, Cà Mau đang quan tâm đến việc chứng nhận quốc tế cho vùng nuôi tôm -rừng đạt chuẩn, để tăng thêm giá trị con tôm Cà Mau. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển tôm - rừng theo hướng nâng cao, xây dựng hệ thống cải thiện về môi trường, phối hợp các tổ chức nước ngoài để hỗ trợ cho địa phương về vốn, khoa học kỹ thuật, giống… góp phần cải thiện môi trường rừng, tăng sản lượng.
Đồng thời, sẽ huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đê bao, thủy lợi để phục vụ sản xuất; quản lý tốt chất lượng con giống, xây dựng chuỗi liên kết theo hướng tập trung, có mối liên hệ giữa doanh nghiệp đầu vào, đầu ra để bao tiêu con tôm...
Được biết, từ năm 2016, Cà Mau là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức 500.000 đồng/ha/năm cho các hộ nhận khoán. Đây là nguồn thu nhập giúp nông dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, duy trì môi trường rừng cho nuôi tôm sinh thái.