Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa
(TN&MT) - Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa được vừa diễn ra vào 13/12, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đầu tư mạnh mẽ vào cây dừa; phát triển quy trình canh tác, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và thương hiệu dừa Việt Nam. Đồng thời, từng bước biến những khu vực có thế mạnh trồng dừa thành khu vực du lịch sinh thái để nâng cao giá trị gia tăng.
Hiện nay, sản phẩm dừa Việt Nam đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt 900 triệu USD. Riêng tại Bến Tre - “thủ phủ dừa” của cả nước, diện tích trồng dừa đạt trên 80.000ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước.
Vừa qua, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam chinh phục thị trường tỷ dân.
Nhận định về cơ hội và thách thức tại thị trường này, ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group - một trong những DN xuất khẩu trái cây hàng đầu của nước ta đánh giá, thị trường Trung Quốc đem đến nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu dừa Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức.
Còn ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng lưu ý đến các doanh nghiệp xuất khẩu dừa. Ông Nam cho rằng, dừa tươi xuất khẩu gồm dừa có vỏ xanh và dừa đã gọt vỏ, phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên cổng CIFER.
Ngoài việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải lấy mẫu 2% để kiểm tra. Sau 2 năm, nếu không có vi phạm, doanh nghiệp sẽ được giảm còn 1%.
“Trung Quốc không có chính sách MRL mặc định, không áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường khác hay Tiêu chuẩn của CODEX. Thay vào đó, phía bạn cập nhật quy định 2 năm một lần và liên tục bổ sung các MRL mới. Xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc năm 2024 dự kiến đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đây là thị trường nhiều tiềm năng với ngành dừa.” Ông Nam cho biết thêm.
Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh. Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý.
Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300ha. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD.
Hiện Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700ha. Hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…