Kinh tế

Thừa Thiên – Huế: Nỗ lực thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp

Văn Dinh 13/12/2024 - 17:11

(TN&MT) - Thừa Thiên – Huế đã và đang tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp (KTT, KCN), nhất là trong bối cảnh tỉnh sẽ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu năm 2025.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, tính đến tháng 12/2024, trên địa bàn KKT, KCN tỉnh có 178 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 134.323 tỷ đồng (có 52 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký là 75.337 tỷ đồng). Lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay ước đạt khoảng 43.491 tỷ đồng (đạt 32,6 % tổng vốn đăng ký đầu tư). Năm 2024 vốn đầu tư giải ngân đạt 5.050 tỷ đồng. Trọng tâm vốn thực hiện đầu tư là Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế, Nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm EON Industry Việt Nam, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Gilimex, Dự án đầu tư sản suất kinh doanh và xuất khẩu bia và đồ uống không cồn khác tại KCN Phú Bài (mở rộng Nhà máy bia), các dự án thứ cấp trong các KCN.

toan-canh-khu-cong-nghiep-kim-long-motor.jpg
Thừa Thiên – Huế đã và đang nỗ lực thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp

Trong năm 2024, trên địa bàn các KKT, KCN tỉnh đã cấp mới 12 dự án và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 27.215 tỷ đồng (trong đó cấp mới là 4.628 tỷ đồng và cấp điều chỉnh là 22.587 tỷ đồng); doanh thu trên địa bàn ước đạt 40.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 1.600 triệu USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu 1.000 triệu USD), nộp ngân sách ước đạt 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, KKT, KCN tỉnh cũng thu hút hơn 41.000 lao động đang làm việc.

Từ khi áp dụng “Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây”, cảng Chân Mây nằm trong KKT Chân Mây – Lăng Cô đã thực hiện đón 124 chuyến tàu vận chuyển container, với 14.514 TEU, tương đương 217.710 tấn hàng hóa. Bước đầu đã xác lập các tuyến vận tải container đi đến các cảng trong và ngoài nước. Các hãng tàu vận chuyển chính là Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, Gemadept, Thilogi (chuyến nội địa); Hãng tàu Voyager Logistics, Hãng tàu Regional Container Lines, Hãng tàu SITC... (chuyến quốc tế).

Cũng trong năm 2024, cảng Chân Mây đã đón hơn 800 lượt tàu hàng, tàu container và tàu du lịch. Tổng hàng hóa qua cảng đạt 7,5 triệu tấn/năm, du khách và thuyền viên 80.145 lượt.

731f1b8870968dc8d487.jpg
Khai thác cảng biển ở Thừa Thiên – Huế đang rất hiệu quả

Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch phát triển 2 KKT, diện tích khoảng 37.292 ha và 6 KCN, diện tích khoảng 2.393 ha. Trong đó, diện tích đất sạch tại các KCN sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư khoảng 360 ha. Thời gian qua, tỉnh định hướng thay đổi mô hình chiến lược phát triển các KKT, KCN thông qua một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh; việc thu hút đầu tư vào khu vực này cũng được chọn lọc, các dự án đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường. HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết về nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng KKT Chân Mây- Lăng Cô; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng KCN Phong Điền; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng KCN Phú Bài giai đoạn I, II, III để phù hợp với thực tế theo hướng bền vững, xanh và đa ngành.

Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong năm 2025, trên địa bàn KKT, KCN của tỉnh sẽ phấn đấu thu hút thêm dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, đô thị, du lịch – dịch vụ với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện của các dự án khoảng 5.000 - 7.000 tỷ đồng. Doanh thu ước đạt 50.000 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 5.500 – 6.000 tỷ đồng. Ban tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ; dự án ngừng tiến độ; dự án ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; đặc biệt các dự án của nhà đầu tư ngừng tiến độ nhưng đang bị ngân hàng phát mãi tài sản để báo cáo UBND tỉnh và HĐND tỉnh xử lý theo quy định.

“Thời gian tới, Ban sẽ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, cải tiến và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư cho phù hợp và theo hướng có hiệu quả cao hơn; chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, kết cấu hạ tầng KCN, đô thị và khai thác cảng biển. Tập trung tranh thủ nguồn lực ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật quan trọng về đô thị, du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ ở khu vực Lăng Cô, tạo điểm nhấn, sức lan tỏa để phát triển dịch vụ du lịch cho cả KKT Chân Mây - Lăng Cô. Tiếp tục hỗ trợ cảng Chân Mây trong việc duy trì thực hiện hàng container đi đến cảng; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cảng đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các bến còn lại. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh…”, ông Tuệ nói.

z6121019045530_631b895d1eaba4770a49b7f3d4fe7262.jpg
Trên địa bàn KKT, KCN ở Thừa Thiên – Huế đang thu hút hàng chục nghìn người lao động

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phương, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế…

Các dự án trọng điểm tại KKT, KCN mà Thừa Thiên – Huế đang triển khai gồm: Dự án Nhà máy Kanglongda Huế của Công ty Kanglongda International Holdings Limited (tổng vốn đầu tư đăng ký 4.812 tỷ đồng), Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế của Công ty CP Kim Long Motor Huế (tổng vốn đầu tư 25.660 tỷ đồng), Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Gilimex của Công ty CP KCN Gilimex (tổng vốn đăng ký 2.614,4 tỷ đồng), Dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây của Công ty CP Hàng Hải Vsico (tổng vốn đầu tư đăng ký 1.678 tỷ đồng), Dự án Trung tâm logistics Chân Mây của Công ty Cổ phần Tập đoàn LEC (vốn đầu tư đăng ký 1.514 tỷ đồng), Dự án Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza của Công ty CP vật liệu công nghệ cao CREANZA (vốn đầu tư đăng ký 2.186 tỷ đồng), Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương của Công ty Cổ phần Kính Đạt Phương (vốn đầu tư đăng ký 2.000 tỷ đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Nỗ lực thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO