Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Vấn đề rác thải nhựa là vấn đề lớn hiện nay trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo về vấn đề này. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như:
Rà soát, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, ngăn chặn tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng đối sản phẩm nhựa một lần của các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện môi trường;
Phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa, kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay thành lập Liên minh chống rác thải nhựa, chứng nhận đại sứ phong trào chống rác thải nhựa .v.v.
Hiện, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cá nhân đã tích cực hưởng ứng, xuất hiện nhiều mô hình điểm như: thay đổi các bao bì sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường; không sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong các hội nghị, hội thảo; sử dụng làn, túi xách để đi chợ thay vì sử dụng túi ni lon 1 lần để bao gói.
Ảnh minh họa. |
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh, phát huy hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, giảm thiểu phát sinh rác thải khó phân hủy trong sinh hoạt, tăng cường sản xuất và sử dụng sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế vật liệu khó phân hủy, trong đó tập trung vào một số nội dung sau đây:
- Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về những tác hại của việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, dùng một lần, lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm thay thế, túi nilon thân thiện với môi trường thông qua việc đa dạng hóa các kênh truyền thông.
- Tăng cường truyền thông để cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng cùng chung tay giải quyết bài toán về rác thải nói chung và chất thải nhựa nói chung; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông, bao bì nhựa dùng 1 lần.
- Tổ chức tuyên truyền về các mô hình, biện pháp phân loại rác tại nguồn, đẩy mạnh thu gom và tăng dần tỷ lệ tái chế chất thải nilon tại các đô thị, khu vực nông thôn, nhằm giảm lượng chất thải túi nilon ra môi trường.
- Phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương lồng ghép các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân, giảm thiểu rác thải nhựa, tăng cường sản xuất và sử dụng sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế vật liệu khó phân hủy tại các dịp tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn như: Ngày Môi trường thế giới, Ngày đại dương thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn,…