Tư vấn pháp luật

Xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản

Báo TN&MT 12/04/2024 - 10:23

(TN&MT) - Trong quá trình khai thác mỏ đất san lấp tại một khu vực thuộc huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), một doanh nghiệp (xin được giấu tên) đã bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi khai thác vượt ra ngoài phạm vi cho phép, khai thác vượt công suất.

Thế nhưng, đến nay những vi phạm này vẫn chưa được doanh nghiệp khắc phục, hậu quả để lại là những khu vực núi đồi trơ trụi, nham nhở, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan khu vực và an toàn của người dân.

Điều đáng nói là sau khi phá núi lấy đất, hết hạn khai thác từ cuối năm 2017 và được phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ nhưng doanh nghiệp này vẫn không phục hồi môi trường như cam kết. Không chỉ vậy, những khu vực nham nhở mà doanh nghiệp đã khai thác vượt phép cũng không được doanh nghiệp này hoàn thổ. Hiện doanh nghiệp đang trong quá trình lập thủ tục, hồ sơ xin cấp phép mỏ đất mới… Vậy theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp này sẽ bị xử lý như thế nào?

(Nguyễn Văn Hà, Đà Nẵng)

Vấn đề bạn hỏi, Văn Phòng Luật sư tư vấn như sau:

Ở đây có thể thấy rõ doanh nghiệp đang có 2 hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Thứ nhất, là doanh nghiệp có hành vi khai thác vượt ra ngoài phạm vi cho phép, khai thác vượt công suất, hành vi này đã bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định hành chính, vẫn mặc nhiên để hậu quả xảy ra.

Thứ hai, khi hết thời hạn khai thác mỏ, doanh nghiệp cần thực hiện những biện pháp nhằm khôi phục môi trường, thực hiện các biện pháp đã cam kết trước khi được cấp phép khai thác khoáng sản nhằm đóng cửa mỏ. Nhưng thực tế doanh nghiệp không thực hiện việc này, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 49 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 24 điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP. Theo đó, điều luật quy định về xử phạt như sau:

Điều 49. Vi phạm quy định về đóng cửa mỏ khoáng sản

1. Phạt tiền đối với hành vi thực hiện không đầy đủ số lượng, khối lượng các hạng mục công trình, các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai xác định trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép kiểm tra, cho phép đóng cửa mỏ từng phần trước khi tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường các diện tích đã khai thác hết trữ lượng nằm trong khu vực khai thác khoáng sản; quá từ 90 ngày trở lên so với thời gian thực hiện đề án đóng cửa mỏ được phê duyệt nhưng không báo cáo kết quả thực hiện, cụ thể như sau:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Phạt tiền đối với hành vi không thực hiện các hạng mục công trình, giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai xác định trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể như sau:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Phạt tiền đối với hành vi không lập đề án đóng cửa mỏ đối với các trường hợp đã quy định tại Điều 73 Luật Khoáng sản, cụ thể như sau:

a) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Phạt tiền đối với hành vi quá từ 12 tháng trở lên kể từ ngày Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, cụ thể như sau:

a) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Từ 80.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4a. Phạt tiền đối với hành vi thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện đề án đóng cửa mỏ mà chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cụ thể như sau:

a) Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Từ 100.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi tháo dỡ, phá hủy các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản khi giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện đầy đủ các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai theo đề án đóng cửa mỏ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4a Điều này.”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO