Phát động Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”
(TN&MT) - Sáng 12/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh BritCham, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức Lễ phát động cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” với mục tiêu tìm kiếm giải pháp sáng tạo trong việc phát triển công nghệ tái chế rác thải nhựa.
Chương trình có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Chủ tịch Unilever Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc BritCham Christopher Jeffery , Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Marcus Winsley, cùng đại diện các bên liên quan.
Tìm kiếm sáng kiến công nghệ tái chế rác thải nhựa
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, chúng ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa và khối lượng rác thải nhựa, bao bì nhựa gia tăng nhanh chóng cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết việc phân loại, thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa còn rất hạn chế.
Rác thải nhựa, bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm, giá trị thấp hiện nay chủ yếu được chôn lấp, đốt hoặc thải ra ngoài môi trường; chỉ một số loại bao bì nhựa có giá trị thì được thu gom, tái chế chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, một số bao bì nhựa được tái chế lại không đúng cách, gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế.
Trước thực tế này, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều đề xuất chính sách, chiến lược, quy định pháp luật để tăng cường quản lý, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, tái sử đụng rác thải nhựa, đặc biệt là chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR); đồng thời, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng đã có nhiều hoạt động tích cực, sôi nổi, thiết thực để giảm thiểu, chống rác thải trên khắp cả nước.
Tại một số địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng đã có những mô hình, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa, đưa ra các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong thúc đây tuần hoàn nhựa, đặc biệt là các mô hình thúc đẩy tuần hoàn nhựa trong khuôn khổ hợp tác Công - Tư của các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng đánh giá cao cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” và cho rằng đây là hành động thiết thực và ý nghĩa để tìm kiếm, vinh danh và đầu tư, hỗ trợ cho các sáng kiến, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phân loại, thu gom và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là nhựa mền, giá trị thấp tại Việt Nam. Sáng kiến thực hiện Chương trình này giúp thúc đẩy, hỗ trợ việc thực hiện quy định EPR nói riêng và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nói chung.
Cũng tại chương trình, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam mong đợi cuộc thi này sẽ đem đến những giải pháp mang tính thực tế cao và kế hoạch hành động hiệu quả dựa trên các cơ sở khoa học và trải nghiệm cụ thể. Trong đó tập trung vào giai đoạn thu gom - phân loại, xử lý và tái chế rác thải nhựa. Cuộc thi này là một bước tiến quan trọng trong việc thực thi cam kết của Unilever về nhựa cũng như thúc đẩy hợp tác PPC.
Còn ông Chris Jeffery, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam khẳng định, chúng tôi cam kết hợp tác cùng chính phủ và cộng đồng hướng tới một thế giới không rác thải và nền kinh tế tuần hoàn. Tính bền vững là cốt lõi trong chiến lược và ưu tiên kinh doanh của các doanh nghiệp Anh Quốc.
Thúc đẩy lối sống xanh bền vững
Theo báo cáo Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và Thách thức đối với Tuần hoàn Nhựa do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, mỗi năm có đến 2,62 tấn rác thải nhựa không được tái chế, dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng chưa phát triển với tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt mức 33%. Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm tái chế thường cao hơn 25-30% so với sản phẩm nhựa thông thường.
Trong bối cảnh đó, các giải pháp giúp nâng cao khả năng và năng lực tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đóng góp cho mục tiêu kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Thấu hiểu thực trạng này, chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” nhanh chóng được phát động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa. Với đối tượng tham gia là các cá nhân và tổ chức có sản phẩm hoặc dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực thu gom, và tái chế chất thải nhựa, chương trình đồng thời khuyến khích lan tỏa và đầu tư cho các sáng kiến và giải pháp mới về thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa phù hợp với thị trường Việt Nam.
Cũng nằm trong khuôn khổ lễ phát động, tọa đàm với chủ đề "Mở khóa Kinh tế tuần hoàn nhựa qua đổi mới sáng tạo: Thách thức & cơ hội" cũng được diễn ra với sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Unilever Việt Nam, Central Retail Vietnam, Tái Chế Duy Tân và VietCycle.