Đối với người dân Tánh Linh nói chung và đồng bào DTTS sinh sống tại Tánh Linh nói riêng thì tình trạng hạn hán diễn ra hàng năm đã được xem như một điều tất yếu của vùng đất này. Theo thống kê, mỗi năm huyện Tánh Linh xảy ra từ 3 đến 5 đợt nắng nóng kéo dài, khiến tình trạng hạn hán trở nên khắc nghiệt, gây thất thu mùa màng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Cụ thể, trong suốt khoảng thời gian tháng 3, 4/2019 vừa qua, trên địa bàn huyên không có mưa, các tuyến kênh và sông La Ngà mực nước đều hạ thấp, hồ chứa nước sông Dinh cũng cạn kiệt, nguồn nước tưới dựa vào lưu lượng chạy máy của nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi cũng không đủ cấp nước tưới khiến cho hơn 4.000 ha lúa vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, về nguồn nước sinh hoạt thì có đến 9/14 xã, thị trấn thiếu nước sinh hoạt, tổng số hộ thiếu nước sinh hoạt khoảng 1.000 hộ, trong đó có khoảng 80 hộ DTTS. Riêng 2 xã Đồng Kho và Huy Khiêm có khoảng 260 hộ sử dụng giếng đào, song do nguồn nước ngầm cũng bị suy yếu nên không đủ nước cấp sinh hoạt cho người dân.
Hiện nay đồng DTTS sinh sống tại huyện Tánh Linh, Bình Thuận chiếm khoảng 14,6% dân số toàn huyện, bao gồm 12 thành phần dân tộc như: Chăm, Ra-glai, Chơ-ro, Cơ-ho, Dao, Hrê, Hoa, Khơ-me, Mường, Nùng, Tày, Thái…
Với tình hình trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp chống hạn. Theo đó, giải pháp thường xuyên trước mắt, UBND tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Tánh Linh bảo vệ nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng người dân tự ý khai thác trái phép và tranh chấp nguồn nước, tự ý vận hành công trình, ảnh hưởng đến an toàn công trình và an ninh trật tự tại địa phương; áp dụng phương pháp cấp nước luân phiên trong các hệ thống công trình thủy lợi nhằm giảm mức thấp nhất lượng nước tổn thất.
Đồng thời, chủ động phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Công ty Thủy điện Đại Ninh để đăng ký nhu cầu sử dụng lượng nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du của thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi và thủy điện Đại Ninh bổ sung nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho người dân trong huyện.
Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thường xuyên tổ chức kiểm kê, theo dõi diễn biến tình hình nguồn nước trong các hệ thống nước sinh hoạt nông thôn do đơn vị quản lý sử dụng, kịp thời đề xuất giải pháp bổ sung nguồn nước thô nhằm duy trì năng lực sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ đạo Phòng NN&PTNT, các phòng, ban chức năng, phối hợp với UBND các xã huy động tối đa các nguồn kinh phí của địa phương để triển khai nạo vét các kênh dẫn nước tưới, trạm bơm điện dọc ven sông La Ngà…
Theo đánh giá của các chuyên gia khoa học, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nền nhiệt độ tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có xung hướng tăng, cứ 5 năm nhiệt độ lại tăng từ 0,1ºC đến 0,2ºC; nhiệt độ tuyệt đối cao trung bình trong 10 năm qua tăng 1,4ºC, số ngày nắng nóng trong các năm tăng rõ rệt, có những ngày nắng nóng có nhiệt độ lên tới 40,4ºC; nhiều đợt nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số địa phương.
Về lâu dài, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có kế hoạch chủ động sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh Bình Thuận để thực hiện các hoạt động như: thành lập Ban chống hạn các cấp; gấp rút hoàn thiện việc nâng cấp, xây dựng, lắp đặt các công trình thủy lợi đang triển khai hoặc đã được phê duyệt; hỗ trợ tiền mua nước sinh hoạt cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống thiên tai, hạn hán trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt, chủ động ứng phó, tránh tình trạng chủ quan, tư tưởng trông chờ, ỷ lại.