Xây dựng NTM ở Cát Nê: Người dân đóng vai trò chủ thể

Duy Kiều| 22/03/2021 09:10

(TN&MT) - Xã Cát Nê nằm ở phía Nam của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cách trung tâm huyện 13 km theo tuyến tỉnh lộ ĐT 261 Phổ Yên - Đại Từ. Xã có 1.176 hộ và 4.304 nhân khẩu. Với tổng diện tích đất tự nhiên là 2.607,42 ha, trong đó, đất nông nghiệp là 2.303,17 ha chiếm 84,82%, đất phi nông nghiệp 234,82 ha chiếm 8,65%, đất chưa sử dụng 3,51 ha chiếm 0,13%.

45-2-.jpg
Hệ thống giao thông tại Cát Nê được kiên cố hoá, đáp ứng nhu cầu của nhân dân

Cát Nê là xã có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế như tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nông lâm, nghiệp và du lịch sinh thái trong tương lai. Có điều kiện khí hậu khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lực lượng lao động dồi dào, người dân có truyền thống lao động cần cù chịu khó, tỷ lệ lao động qua đào tạo cao là lợi thế để nâng cao hiệu quả thu nhập trong lao động và sức cạnh tranh trong sản xuất và phát triển sản xuất hàng hóa.

Năm 2011, số hộ nghèo của xã là 338 hộ, tỷ lệ 35,9%; Đến nay, số hộ nghèo của xã là 55 hộ, tỷ lệ 4,68%.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, các phòng ban chuyên môn, cùng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Cát Nê, công cuộc xây dựng Nông thôn mới đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể: Hệ thống giao thông, thủy lợi được kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Về giao thông, đường liên xã đã cứng hóa 100%, đường liên xóm, trục xóm, ngõ xóm đạt trên 80% đã cứng hóa; hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đạt 81,8 % (610 ha/745,5 ha).

Kinh tế - xã hội được phát triển, đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Hệ thống các công trình hạ tầng như trụ sở làm việc của Đảng ủy - HĐND - UBND, đường giao thông trục xã, liên xã, trục xóm, ngõ xóm, hệ thống điện, trường, trạm y tế, hệ thống kênh mương, nhà văn hóa xã, xóm được quy hoạch và xây dựng khá đồng bộ và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống chính trị thường xuyên được kiện toàn, củng cố vững mạnh, tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân, đây là tiền đề, là điều kiện thuận lợi để Cát Nê triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, ý thức trong công tác bảo vệ môi trường của người dân còn chưa cao, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường, xem nhẹ việc bảo vệ môi trường.

45-1-.jpg
Những vườn cây trĩu quả là cây kinh tế mũi nhọn thực hiện Đề án phát triển sản xuất phát triển kinh tế của người dân xã Cát Nê, huyện Đại Từ. tỉnh Thái Nguyên

Xác định công tác tuyên truyền, quán triệt trong hệ thống chính trị và triển khai đến người dân hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của người dân cùng với Đảng, chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng, có tính quyết định đến việc tổ chức thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, ngay sau khi quy hoạch, Đồ án được phê duyệt, Đảng bộ đã tập trung tuyên truyền, triển khai vận động đến người dân một cách sâu, rộng, đồng bộ thông qua các đoàn thể, các khu dân cư.

Qua công tác tuyên truyền vận động, ý thức của người dân được nâng lên, người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới chủ yếu là sản xuất phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và người dân có vai trò là chủ thể quan trọng.

Từ đó, người dân đã tích cực tham gia thể hiện qua các việc làm cụ thể như: hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng kênh mương, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa… áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng cảnh quan môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng NTM ở Cát Nê: Người dân đóng vai trò chủ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO