Tuyên Quang bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới
Xác định rõ bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí cần thiết và quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia của Chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, sức dân đã được phát huy mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt, với sự phát triển của các tổ tự quản ở các khu dân cư hiện nay, vị trí chủ thể của người dân càng được khẳng định.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 73/121 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới (chiếm 60,33% tổng số xã). UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2024, toàn tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Hàm Yên, huyện Sơn Dương tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về môi trường được xem là một trong những tiêu chí khó bởi liên quan đến ý thức, thói quen của đông đảo người dân trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn này đã dần được tháo gỡ khi Tuyên Quang đẩy mạnh thực hiện phong trào bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sự phối hợp của tổ tự quản với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã tạo ra sự thay đổi, chuyển biến và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Trong 6 tháng năm 2024, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng, nâng cấp 5 công trình cấp nước tập trung; 10 nghĩa trang, 635 bể biogas và bể tự hoại; xây dựng 1 công trình xử lý nước thải tập trung tại thị trấn Sơn Dương; xây dựng 4 điểm tập kết rác thải.
Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các địa phương xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở tất cả các khu dân cư. Nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã xây dựng tổ tự quản, mô hình bảo vệ môi trường rất hiệu quả. Đến nay, nội dung bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua mô hình tự quản tại các khu dân cư; tổ chức phân loại, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa.
Có thể nói, việc thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường đã mang lại kết quả thiết thực, môi trường được cải thiện, đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, cống rãnh được khơi thông, rác thải được thu gom, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng cao. Ðiều này góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, vừa hướng người dân tới cuộc sống xanh, thân thiện với môi trường…
Đến với các vùng quê nông thôn của Tuyên Quang hiện nay, hầu hết các tuyến đường bê tông, đường ngõ xóm đều sạch đẹp. Các tuyến đường hoa được chăm sóc thường xuyên đã tạo nên sức sống cho các khu dân cư. Có được kết quả này là bởi hàng tuần, hàng tháng, tại các tất cả các thôn, xóm, người dân đều đồng loạt vệ sinh môi trường, trồng, chăm sóc hoa hai bên đường.
Với hơn 2.260 tổ nhân dân tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động tích cực tại các xã trên địa bàn tỉnh, các vấn đề như vứt rác thải bừa bãi, xử lý rác thải ra môi trường nông thôn đã được hạn chế và giải quyết, góp phần giúp các xã xây dựng thành công các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.
Ngoài các tổ tự nhân dân tự quản về công tác bảo vệ môi trường, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.760 mô hình tự quản tại các khu dân cư về phát triển kinh tế. Với nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, qua đó, phát huy tính tự chủ, tự quản của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Để các tổ tự quản nhân dân đi vào hoạt động có nền nếp, Ban Công tác mặt trận ở cơ sở luôn phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể để lựa chọn nội dung xây dựng mô hình tự quản trên địa bàn khu dân cư.
Trọng tâm là xác định những công việc cụ thể, biện pháp cần phải thực hiện để nhân dân thảo luận, cam kết triển khai thực hiện. Mặc dù không có phụ cấp nhưng các tổ trưởng, tổ phó ở nhiều nơi đã hoạt động tích cực, năng động, sáng tạo. Đội ngũ này đã chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Các tổ, nhóm tự quản họp thống nhất triển khai kế hoạch của xã; phân công các thành viên trong tổ, nhóm tự quản phụ trách các hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình.
Tỉnh Tuyên Quang xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường”, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện nội dung cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày nước thế giới”, “Chống rác thải nhựa”,... thu hút đông đảo người dân tham gia. Với những hoạt động cụ thể trong bảo vệ môi trường, đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 80% lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn và trên 95% lượng rác thải ở đô thị đã được thu gom, xử lý; hơn 90% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh…
Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương gắn bảo vệ môi trường với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Lồng ghép nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với thực hiện hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn.