Môi trường

Sơn La: Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý chất thải rắn

Nguyễn Nga 10/12/2024 - 12:31

(TN&MT) - Đoàn kiểm tra đánh giá công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Sơn La (trừ chất thải rắn y tế) trong giai đoạn từ năm 2022 – 2024 vừa hoàn thành công tác kiểm tra trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức nhân dân

Theo báo cáo kết quả kiểm tra, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải rắn gắn với quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh.

Giai đoạn từ năm 2022-2024, UBND các huyện, thành phố đã ban hành trên 144 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải rắn nói chung và công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng.

2.jpg
Đoàn kiểm tra làm việc với UBND huyện Bắc Yên.

Đã xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu về môi trường theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường trong hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm của tỉnh.

Tổ chức ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm giữa Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện, thành phố trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chỉ đạo UBND các xã, phường tổ chức ký cam kết về thu gom, phân loại, xử lý rác thải, đưa các tiêu chí về môi trường vào hương ước, quy ước của bản, tiểu khu.

Kết quả, đã tổ chức thành công trên 200 cuộc tuyên truyền, tập huấn với sự tham gia của gần 70.000 người. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân trong công tác phân loại, thu gom, xử lý CTRSH. Công tác kiểm tra, thanh tra về chất thải rắn bước đầu được thực hiện lồng ghép trong công tác kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường.

Công tác phân loại CTRSH tại nguồn hiện đang triển khai thí điểm tại TP Sơn La và 2 huyện Mộc Châu, Mai Sơn. Các địa phương còn lại chưa ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai, đa số mới tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, ý thức và phổ biến tới nhân dân các quy định pháp luật về phân loại CTRSH tại nguồn.

Ngoài ra, theo kết quả thống kê của UBND các huyện, thành phố, tổng khối lượng thu gom phế liệu tái chế trên địa bàn tỉnh từ năm 2022 đến nay là hơn 18.500 tấn, chủ yếu gồm: Phế liệu sắt, thép, gang; mẩu vụn của nhựa; giấy; thuỷ tinh; kim loại màu và được bán lại cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu. Qua đó, cũng đã góp phần triển khai các hoạt động phân loại rác trên địa bàn tỉnh.

Kiện toàn cơ quan đầu mối quản lý CTRSH

Theo số liệu thống kê từ các địa phương, lượng CTRSH phát sinh trung bình trên địa bàn tỉnh khoảng 442,3 tấn/ngày (khu vực đô thị 215,2 tấn/ngày; nông thôn trên 227 tấn/ngày). Khối lượng CTRSH được thu gom, xử lý 376,8 tấn/ngày; khối lượng CTRSH tự xử lý khoảng 73,3 tấn/ngày.

Tỷ lệ thu gom đạt 100% tại TP Sơn La, và các thị trấn, thị tứ của 11 huyện còn lại. Tại khu vực nông thôn, 75/188 xã nông thôn đã hợp đồng với Công ty CP môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La thực hiện thu gom, vận chuyển CTRSH về các Khu/bãi chôn lấp tập trung của các huyện; 113/188 xã còn lại, các hộ dân tự phân loại, xử lý bằng hình thức chôn lấp, đốt thủ công theo quy mô hộ gia đình.

Toàn tỉnh hiện có 2.612 xe gom rác hoặc thùng gom rác đẩy tay với dung tích từ 400-500 lít; 1.419 điểm tập kết rác; 13 khu xử lý CTR trên địa bàn 12 huyện thành phố, công suất xử lý theo quy hoạch từ 80-150 tấn/ngày/khu, công suất tiếp nhận thực tế từ 10-80 tấn/ngày/khu.

1.jpg
Kiểm tra hiện trạng Khu xử lý CTRSH tại huyện Bắc Yên.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, nhìn chung, các địa phương đã chủ động xây dựng các Đề án/kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo quy định. Đã rà soát các phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn, chỉ đạo đơn vị thực hiện dịch vụ thống nhất thời gian, tuyến đường thu gom, vận chuyển CTRSH và hỗ trợ kinh phí mở rộng phạm vi thu gom tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, 100% các huyện, thành phố đều chưa thống nhất đầu mối thực hiện công tác quản lý CTRSH. Công tác phân loại CTRSH tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Phương tiện, trang thiết bị thu gom, vận chuyển còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện có 7/12 huyện, thành phố đang sử dụng một số xe gom rác đẩy tay hỏng hóc, xuống cấp, không đáp ứng việc thu gom, lưu giữ rác thải, nhất là rác thải thực phẩm. Các khu vực nông thôn hầu hết đều chưa bố trí mặt bằng điểm tập kết, phương tiện, thiết bị chuyên dụng để thu gom rác…

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất thải rắn, Đoàn kiểm tra đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 5526/UBND-KT, về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn; xây dựng quy định, chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể về quản lý CTR phù hợp điều kiện đặc điểm, kinh tế, xã hội và tình hình phát sinh CTR. Trong đó, khẩn trương kiện toàn, giao Phòng TN&MT là cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về chất thải rắn, đảm bảo thống nhất với cơ quan Trung ương và cấp tỉnh. Hoàn thành trước ngày 1/1/2025.

Kiểm tra, rà soát toàn bộ các điểm tập kết xe gom rác; bố trí cải tạo, xây dựng bổ sung điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về môi trường. Xóa bỏ các điểm tập kết, xe gom rác không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, gây mất an toàn giao thông, cảnh quan đô thị. Hoàn thành trước ngày 1/3/2025.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH xác định vị trí, thời gian tập kết, quy mô tiếp nhận tại điểm tập kết phù hợp theo quy định. Đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát phạm vi thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, định mức, thành phần công việc, hao phí, quy trình, quy định hiện hành.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Kiên quyết ngăn chặn việc thải bỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng không đúng nơi quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý chất thải rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO