Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn: Khuyến khích lực lượng phi chính thức tham gia vào lực lượng chính thức
(TN&MT) - Đây là một trong những phương án được ông Đặng Hữu Bình – Phó Tổng Giám đốc URENCO Hà Nội đưa ra tại Hội thảo chuyên đề về nội dung Biến chất thải thành tài nguyên nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2024.
Hội thảo chuyên đề được tổ chức chiều ngày 10/12 tại Hà Nội với sự tham gia của ông Vũ Minh Đức – Cố vấn cấp cao, Đại sứ quán Na Uy; Bà Đoàn Anh Thư – chuyên gia cố vấn, Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW); ông Đặng Hữu Bình – Phó Tổng Giám đốc URENCO Hà Nội; Bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển bền vững, Unilever Việt Nam; Bà Nguyễn Xuân Biên – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Bình Định…
Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường. Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, rác thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và sự tăng lên của nó là không được mong đợi. Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải.
Trình bày tại Hội thảo, ông Đặng Hữu Bình – Phó Tổng Giám đốc URENCO Hà Nội cho rằng, phân loại chất thải tại nguồn giúp tăng lượng rác thải được thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý hiệu quả các thành phần khác nhau trong rác thải, giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp, từ đó tạo ra việc làm mới và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, việc phân loại rác còn góp phần giảm gánh nặng cho các hệ thống xử lý rác thải, giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước để chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải…
Theo ông Bình, lực lượng thu gom không chính thức – ve chai – được coi là “mắt xích” quan trọng trong phân loại rác thải. Tuy nhiên,phần lớn lượng rác thải thu gom được từ lực lượng này đang được đưa về các vựa ve chai, các làng nghề tái chế không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy. Khó khăn hiện nay đó là lực lượng này vẫn là phi chính thức nên khó quản lý, khó đưa ra các biện pháp hỗ trợ. Do đó, chính quyền cần có cơ chế, chính sách khuyến khích lực lượng phi chính thức tham gia vào lực lượng chính thức, đồng thời hình thành các khu sơ chế chất thải tái chế (trạm MRF).
Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc với lực lượng phi chính thức, Bà Nguyễn Thị Xuân Biên – Phó Giám đốc Công ty CP môi trường Bình Định cho biết, nhằm tăng lượng rác thải thu gom được từ lực lượng phi chính thức và tàu cá, Công ty đã triển khai thu mua cố định tại các điểm và vận chuyển trực tiếp từ các vựa ve chai. Tại địa bàn, nhiều CLB của lực lượng phi chính thức được thành lập nhằm tạo lập một mạng lưới thông tin để liên kết các bên thu mua phế liệu… Thông qua các CLB, địa phương có thể dần chính thức hóa lực lượng này.
Về nội dung tái chế chất thải, theo bà Phạm Thị Minh Nguyệt – Quản lý phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam, Tập đoàn Alba cho biết, Alba tập trung nhiều vào thu hồi vật liệu từ rác và tái chế. Trên thực tế, nhiều quốc gia vẫn chưa thực sự hiểu rõ giá trị của rác thải, vẫn tồn tại khái niệm tái chế là ô nhiễm, do đó vẫn còn nhiều quan ngại về vấn đề tái chế. Để khắc phục hạn chế này, cần sự hỗ trợ từ Chính phủ để thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư vào mảng này.
Theo bà Nguyệt, Tập đoàn Alba quan tâm đến chính sách thu hồi tài nguyên để tái chế thay vì xử lý đơn thuần bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp và Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng các bài học này trong những năm tới.
Tại Hội thảo, các vấn đề liên quan đến phân loại và tái chế chất thải được các đại biểu đưa ra. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đã được triển khai thực tế, những vướng mắc, khó khăn... cũng được thảo luận nhằm thúc đẩy phân loại, tái chế.