Nam Định: Điểm sáng về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới
(TN&MT) - Thời gian qua, với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương, công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều thành quả. Nam Định là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM).
Tính đến 31/10/2024, sau khi sát nhập toàn tỉnh Nam Định có 156/161 xã, thị trấn (chiếm 96,9% tổng số xã, thị trấn) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 36/146 xã (chiếm 24,7% tổng số xã) đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Nổi bật, huyện Giao Thuỷ được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.
Năm 2024, dự kiến phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao đối với 3 huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực.
Mặc dù, Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm rất nhiều tiêu chí, của nhiều lĩnh vực, trong đó tiêu chí về bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện và duy trì. Tuy nhiên với sự vào cuộc của Sở TN&MT và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường trong xây dựng NTM được triển khai quyết liệt, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nổi bật, công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm đẹp cảnh quan nông thôn, đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp. Một số ao hồ được xử lý, cải tạo, đảm bảo chất lượng môi trường xung quanh.
Cùng với đó, nhận thức của người dân về thu gom, xử lý rác thải đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, không còn tình trạng vứt rác ra các khu vực công cộng, lòng sông. Rác thải đã được phân loại thành: Rác thải sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thải thực phẩm; rác thải sinh hoạt khác. Đối với thức ăn thừa chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã vận động người dân tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, rác thải hữu cơ được ủ bằng hố ủ rác di động làm phân để trồng cây.
Công tác phân loại rác tại nguồn bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan như: giảm được khoảng 30 % lượng rác thải đưa đi xử lý; tiết kiệm nguồn ngân sách dành cho việc xử lý rác thải; thay đổi thói quen phân loại rác của người dân; sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên.
Việc thực hiện bảo vệ môi trường theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã rất khó, nhưng việc duy trì và nâng cao công tác này trong thời gian tới còn khó hơn rất nhiều. Do vậy đây là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần sự vào cuộc bền bỉ và chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững.