210/237 huyện đã kết nối CSDL đất đai quốc gia
Ngày 30/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (dự án VILG) với thời gian thực hiện từ năm 2017 đến hết năm 2021. Do yêu cầu mới của công tác xây dựng hệ thống thông tin và trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dự án, ngày 20/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Dự án VILG, gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2023. Dự án sẽ kết thúc vào 30/6 tới đây.
Kết nối, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu dất đai tạo đà cho đô thị phát triển.
Theo ông Chu An Trường - Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương cho biết, đến nay Dự án đã có 222/237 huyện ký hợp đồng, đã và đang triển khai công tác xây dựng CSDL đất đai (đạt 94%), còn lại 11/237 huyện chuyển đổi dữ liệu dự kiến ký hợp đồng trong quý 1/2023.
Về tiến độ hoàn thành công tác xây dựng CSDL đất đai của các tỉnh, tính đến hết năm 2022, có 126/237 huyện thuộc 23 tỉnh thành phố đã hoàn thành CSDL đất đai với đầy đủ 4 thành phần (CSDL địa chính, CSDL thống kê kiểm kê đất đai, CSDL quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và CSDL giá đất). Trong đó có 9 tỉnh hoàn thành công tác xây dựng CSDL đất đai gồm Thái Bình (8/8 huyện), Hà Nam (6/6 huyện), Ninh Bình (3/3 huyện), Quảng Trị (9/9 huyện), Tây Ninh (6/6 huyện), An Giang (11/11 huyện), Long An (15/15 huyện), Bến Tre (9/9 huyện) và Trà Vinh (9/9 huyện).
Bên cạnh đó, 210/237 huyện thuộc 29/30 tỉnh, thành phố tham gia dự án hoàn thành việc kết nối CSDL đất đai quốc gia. Trong đó, có 19 tỉnh hoàn thành kết nối toàn bộ các huyện tham gia dự án và ngoài ra có 23 huyện ngoài dự án cũng tham gia kết nối CSDL đất đai quốc gia.
Đã có 24/30 tỉnh, thành phố kết nối liên thông thuế điện tử: đã thực hiện 24/30 tỉnh, thành phố; 18/30 tỉnh kết nối hệ thống 1 cửa điện tử; 30/30 tỉnh thuộc dự á đã thực hiện kết nối cổng dịch vụ công quốc gia dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai cấp độ 4.
Ông Nguyễn Trọng Hài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, Dự án VILG là dự án quan trọng nhằm giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho người dân và hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo sẽ kết thúc xây dựng CSDL đất đai trên các huyện, thành phố thực hiện Dự án VILG trong tháng 2/2023. “Quan điểm của tỉnh là phải giám sát trong đo đạc địa chính để xây dựng CSDL đất đai, để CSDL đầu vào phải “sạch, sống” để phục vụ công tác quy hoạch, giá đất…”.
Xây dựng CSDL quốc gia về đất đai thống nhất, liên thông
Bên cạnh việc triển khai Dự án VILG, thời gian qua, Bộ TN&MT đã đôn đốc các địa phương sớm hoàn thiện, đưa hệ thống CSDL đất đai vào hoạt động để kết nối quản lý nhằm nâng cao công tác quản lý về đất đai.
Đặc biệt, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần 2, Bộ TN&MT đang đề xuất bổ sung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 159 về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; quy định CSDL đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai tại khoản 1 và khoản 3 Điều 160.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai tại Điều 162 Dự thảo Luật. Quy định trách nhiệm trong việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, theo đó, CSDL quốc gia về đất đai được xây dựng thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, triển khai đồng bộ trong phạm vi cả nước gồm các thành phần: CSDL về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; CSDL địa chính; CSDL điều tra, đánh giá đất đai; CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; CSDL giá đất; CSDL thống kê, kiểm kê đất đai; CSDL về thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; CSDL khác liên quan đến đất đai.
Dự án VILG đã thực hiện kết nối liên thông với cơ quan thuế và hệ thống một cửa hành chính công góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của địa phương, từng bước chuyển đổi dịch vụ công đất đai từ trực tiếp sang trực tuyến, giúp cắt giảm thủ tục hành chính, giảm số lần nộp và nhận hồ sơ của người dân từ 4 lần xuống 2 lần, thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài chính giảm 2 ngày làm việc, giảm số lượng giấy tờ dạng giấy so với quy trình trước đây.
CSDL quốc gia về đất đai được thiết lập ở Bộ TN&MT và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành một hệ thống thống nhất, liên thông; là nền tảng cơ sở cho triển khai công tác quản lý, nghiệp vụ, hoạt động về đất đai; cung cấp dữ liệu thông tin cho quản trị Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tạo ra thông tin mới và các giá trị gia tăng; tạo nguồn thu từ phí cung cấp dữ liệu, thông tin đất đai để phát triển, duy trì, vận hành CSDL đất đai.
Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đề xuất trong Dự thảo việc bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.